- Chi tiết
- Chuyên mục: Tin Tức Hàng Không
Quy hoạch phát triển ngành hàng không vừa được phê duyệt sẽ tạo nên khung pháp lý cao hơn và có ảnh hưởng tích cực, giúp ngành hàng không phát triển bền vững.
Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Thắng. Ảnh: Quang Toàn/BNEWS/TTXVN
Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 vừa được Chính phủ phê duyệt điều chỉnh. Theo đó, mục tiêu chính đến năm 2030, thị trường vận tải hàng không Việt Nam đứng trong nhóm 4 quốc gia hàng đầu ASEAN về sản lượng vận chuyển. Xung quanh nội dung này, Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam có cuộc trao đổi với ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam về việc triển khai quy hoạch trong thời gian tới.
Phóng viên: Thưa ông, việc điều chỉnh Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 vừa được Chính phủ phê duyệt sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của ngành hàng không trong thời gian tới?
Cục trưởng Đinh Việt Thắng: Quyết định số 21/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến 2020 và định hướng đến 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 8/1/2009 (Quyết định 21). Sau 9 năm triển khai, vị trí, vai trò của ngành hàng không được củng cố và phát triển. Điều này đóng góp quan trọng cho sự phát kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh của đất nước.
Bên cạnh đó, những yếu tố mới tác động đến sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam trong thời gian tới như: dự báo thị trường hàng không tiếp tục tăng trưởng liên tục 2 con số. Bên cạnh đó, nhu cầu vận chuyển hàng không nội địa tăng mạnh; nhu cầu về hoạt động hàng không chung bước vào giai đoạn cao. Ngoài ra, lưu lượng hoạt động bay ngày càng tăng, kiểu loại hoạt động bay và tình hình biển Đông ngày càng phức tạp.
Các yêu cầu tiêu chuẩn của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) về công nghệ kỹ thuật, khai thác, chất lượng bảo đảm an ninh, an toàn, chất lượng dịch vụ và bảo vệ môi trường ngày càng được nâng cấp. Kế hoạch không vận của ICAO yêu cầu các quốc gia phải đổi mới toàn diện. Các hãng hàng không tăng cường năng lực cạnh tranh thông qua phát triển đội tàu bay hiện đại và áp dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến.
Cùng với đó, nhu cầu đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng không tăng cao, trong khi nguồn vốn Nhà nước không có điều kiện đáp ứng đầy đủ, kịp thời. Dự án trọng điểm Cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được Quốc hội thông qua. Quỹ đất tại các Cảng hàng không chính là Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng được bổ sung.
Trên cơ sở kết quả đạt được, cùng những tồn tại và yêu cầu mới tác động đến sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam trong thời gian sắp tới, việc điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không theo Quyết định 21 là cần thiết. Ngày 23/2/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 236/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến 2020, định hướng đến 2030 (Quyết định 236).
Để đáp ứng yêu cầu đặt ra trong giai đoạn phát triển mới, quy hoạch mới tập trung giải quyết những vấn đề cần bổ sung, điều chỉnh về quan điểm, chỉ tiêu phát triển; mạng đường bay; đội tàu bay; mạng cảng hàng không; quản lý, bảo đảm hoạt động bay; doanh nghiệp hàng không; nguồn nhân lực và cơ sở đào tạo; công nghiệp hàng không; bảo vệ môi trường.
Với các nội dung được điều chỉnh tại Quy hoạch mới theo Quyết định 236, chắc chắn sẽ tạo nên khung pháp lý cao hơn và có ảnh hưởng tích cực, tạo động lực thúc đẩy quá trình đổi mới, hội nhập toàn diện, phát triển bền vững. Đồng thời, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo dựng hình ảnh của ngành hàng không Việt Nam trên trường quốc tế. Qua đó, mang lại hiệu quả phát triển chính trị-kinh tế-xã hội, góp phần đảm bảo quốc phòng an ninh của đất nước.
Phóng viên: Ngành hàng không được coi là phát triển nóng thời gian qua, bản quy hoạch lần này sẽ có những định hướng như thế nào trong việc phát triển ngành này một cách bền vững, thưa ông?
Cục trưởng Đinh Việt Thắng: Trong thời gian qua, ngành hàng không phát triển với tốc độ tăng trưởng cao. Trong giai đoạn 2010-2017, thị trường vận tải hàng không Việt Nam đạt 16,64%/năm về hành khách, 14%/năm về hàng hoá. Tổng sản lượng thông qua các cảng hàng không đạt 16,91%/năm về hành khách, 13%/năm về hàng hóa. Sản lượng vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam đạt 17,3%/năm về hành khách, 8%/năm về hàng hóa. Sản lượng điều hành bay đạt 12%/năm.
Để đáp ứng tốc độ tăng trưởng cao của ngành hàng không, quy hoạch mới đã đưa ra các định hướng quy hoạch trên nhiều lĩnh vực như bổ sung các quan điểm phát triển theo định hướng bền vững, đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Cùng với đó, huy động tối đa mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng không; đẩy mạnh việc thực hiện lộ trình tự do hóa vận tải hàng không trên cơ sở song phương, đa phương...Ngoài ra, điều chỉnh một số chỉ tiêu phát triển của các lĩnh vực vận tải hàng không, cảng hàng không và quản lý bảo đảm hoạt động bay; bổ sung một số mục tiêu để phù hợp với định hướng phát triển.
Bên cạnh đó, quy hoạch lần này cũng tập trung cho phát triển thêm các đường bay theo mô hình hoạt động “điểm- điểm”. Khuyến khích việc mở các chuyến bay quốc tế đi/đến các cảng hàng không có nhu cầu và tiềm năng phát triển du lịch trọng điểm quốc gia. Bổ sung định hướng phát triển mạng đường bay theo mô hình vận tải đa phương thức, đảm bảo việc phát triển cân đối, sự gắn kết chặt chẽ giữa các loại hình vận tải khác nhau.
Cập nhật các nội dung mới liên quan đến chủng loại tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam, phù hợp với kết cấu hạ tầng cảng hàng không và tình hình khai thác. Điều chỉnh quy hoạch số lượng cảng hàng không khai thác. Phát triển các Trung tâm logistics chuyên dụng hàng không. Cập nhật Kế hoạch không vận mới của ICAO. Bổ sung quy hoạch về bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, để đảm bảo cho ngành hàng không phát triển bền vững, quy hoạch đã bổ sung về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Xác định vai trò chủ đạo, nòng cốt của các doanh nghiệp hàng không trong từng lĩnh vực. Nghiên cứu thành lập Trung tâm nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật chuyên ngành hàng không đáp ứng nhu cầu phát triển của nền công nghệ 4.0.
Song song với đó, xây dựng đội ngũ chuyên gia chuyên ngành bậc cao có năng lực nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ kỹ thuật hướng tới nền công nghiệp 4.0; xã hội hóa việc phát triển nguồn nhân lực chuyên ngành hàng không. Phát triển các trung tâm đào tạo và huấn luyện bay; thiết lập trung tâm đào tạo phi công cơ bản.
Các nhóm nội dung, lĩnh vực chuyên ngành hàng không được quy hoạch với quan điểm phát triển đồng bộ, khoa học, thống nhất trong mối liên hệ gắn kết chặt chẽ với nhau; đảm bảo cho sự phát triển của ngành hàng không trong thời gian tới phải đáp ứng đồng thời 2 mục tiêu vừa tăng trưởng hiện đại vừa bền vững.
Nhà ga T2 Sân bay Quốc tế Nội Bài. Ảnh minh họa/TTXVN
Phóng viên: Vậy vì sao lại có sự điều chỉnh về số lượng cảng hàng không và thời gian đưa vào khai thác một số sân bay thưa ông ?
Cục trưởng Đinh Việt Thắng: Quy hoạch mới có sự điều chỉnh về số lượng cảng hàng không và thời gian đưa vào khai thác hợp lý hơn để nâng cao hiệu lực, hiệu quả khai thác; cải thiện giao thông kết nối liên vùng và quốc tế, quốc nội; hỗ trợ phát triển các địa phương có tiềm năng phát triển du lịch.
Cụ thể, đến năm 2020 từ 26 cảng hàng không (theo quy hoạch cũ) còn 23 cảng hàng không (theo quy hoạch điều chỉnh); trong đó, duy trì số lượng 10 cảng hàng không quốc tế. Đến năm 2030 từ 26 cảng hàng không (theo quy hoạch cũ) tăng lên 28 cảng hàng không (theo quy hoạch mới); trong đó, số lượng cảng hàng không quốc tế tăng từ 10 lên 13.
Quy hoạch mới bổ sung các cảng hàng không (Phan Thiết, Quảng Trị, Thọ Xuân, Lai Châu) vào quy hoạch mạng để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng không tới các địa phương có cảng hàng không được dự báo sẽ tăng mạnh và là trọng điểm du lịch quốc gia, đặc biệt là du lịch tâm linh; thúc đẩy phát triển kinh tế gắn với tăng cường tiềm lực quân sự quốc phòng, tăng cường hiệu quả công tác khẩn nguy, cứu nạn, đường bay nội vùng liên vùng trong hệ thống mạng cảng.
Một số cảng hàng không được đưa ra khỏi quy hoạch mạng như Gia Lâm, Vũng Tàu. Đối với Cảng hàng không Gia Lâm do trong thời gian qua không có hoạt động khai thác hàng không dân dụng mà chỉ hoạt động bay dịch vụ du lịch và các hoạt động huấn luyện, vận tải quân sự. Đối với Cảng hàng không Vũng Tàu, là sân bay nhỏ, chủ yếu phục vụ bay dầu khí bằng trực thăng do quân đội đảm nhiệm, nhu cầu khai thác vận tải thường lệ ít, nằm gần Cảng hàng không quốc tế Long Thành trong tương lai.
Phóng viên: Trong đề án này có nội dung quan trọng là khuyến khích các hãng hàng không cơ cấu lại đội bay, với số lượng các tàu bay sẽ được tăng lên, vậy việc này có ảnh hưởng đến sức ép hạ tầng hàng không không thưa ông?
Cục trưởng Đinh Việt Thắng: Trong quy hoạch lần này, các lĩnh vực được quy hoạch đều đảm bảo tính đồng bộ, khoa học, thống nhất trong mối liên hệ hữu cơ với nhau, đảm bảo sự phù hợp và khả thi trong quá trình thực hiện quy hoạch. Việc điều chỉnh quy hoạch đội tàu bay dựa trên cơ sở kế hoạch phát triển đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam, mạng đường bay, định hướng tần suất khai thác, mục tiêu tăng trưởng thị trường; kế hoạch phát triển và năng lực thông qua các cảng hàng không; tiêu chuẩn, năng lực và kế hoạch đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng cảng hàng không.
Quy hoạch lần này đã tính đến các yếu tố đảm bảo cho các hãng hàng không Việt Nam triển khai thực hiện định hướng phát triển đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và các thị trường trọng điểm, bao gồm: việc cơ cấu lại, điều chỉnh số lượng đội tàu bay với các chủng loại tàu bay tầm xa, trung xa, vừa và nhỏ để phù hợp với nhu cầu khai thác thị trường và đảm bảo khả năng đáp ứng của kết cấu hạ tầng hàng không.
Phóng viên: Xin cảm ơn ông.
Quang Toàn/BNEWS/TTXVN
Who's Online
Đang có 271 khách và không thành viên đang online