- Chi tiết
- Chuyên mục: Tin Tức Hàng Không
Với đà tăng trưởng nhanh của ngành Hàng không, tắc nghẽn hàng không sẽ khiến các chuyến bay tại châu Á, đặc biệt khu vực Đông Nam Á phải giảm tần suất
Quyền Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam Phạm Việt Dũng (người đứng giữa) và Trực ban trưởng liên lạc với các đầu mối bắt đầu kế hoạch thử nghiệm
Trước sự phát triển nhanh chóng của ngành Hàng không, đi đôi với việc gia tăng lưu lượng các chuyến bay, chức năng quản lý luồng không lưu ngày càng trở nên phổ biến và cần thiết. Quản lý luồng không lưu (được viết tắt là ATFM - Air Traffic Flow Management) được thực hiện nhằm cân bằng nhu cầu và năng lực khu vực các cảng hàng không và vùng trời khác nhau, điều tiết các luồng không lưu không vượt quá khả năng tiếp thu của sân bay và năng lực của vùng trời, sử dụng một cách tối ưu các năng lực hiện có, góp phần đảm bảo an toàn, hiệu quả, tiết kiệm chi phí và đảm bảo tính bền vững môi trường của một hệ thống quản lý không lưu (ATM). ATFM cũng là yếu tố chính trong việc tạo khả năng hợp tác toàn cầu của ngành công nghiệp vận tải hàng không, hướng tới việc thực hiện ATM liền mạch.
Cảnh báo nguy cơ tắc nghẽn hàng không
Các chuyên gia hàng không khu vực cảnh báo trong vòng 5 đến 10 năm tới, châu Á sẽ đối mặt với việc tắc nghẽn hàng không trong bối cảnh tần suất các chuyến bay ngày càng dày đặc. Đặc biệt tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhu cầu đi lại trong nước và quốc tế bằng đường hàng không đang tăng nhanh nhất thế giới. Theo báo cáo của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), năm 2016, lượng hành khách ở châu Á chiếm 32,9%, trong khi tại châu Âu chỉ ở mức 26,4% và Bắc Mỹ chỉ 28,6%. Cũng trong năm 2016, theo thống kê của OAG, 10 tuyến đường bay bận rộn nhất thế giới đều nằm ở châu Á, trong đó đáng lưu ý là đường bay TP. Hồ Chí Minh - Hà Nội đã vượt lên đứng thứ 7 trong 10 đường bay bận rộn nhất thế giới.
Cũng theo báo cáo của IATA, số lượng hành khách có thể sẽ tăng vọt trong hai thập kỷ tới và dự đoán vào năm 2035 sẽ có khoảng 7,2 tỉ hành khách di chuyển bằng đường hàng không, nghĩa là gần gấp đôi mức 3,8 tỉ hành khách ở thời điểm hiện tại năm 2016. Dự báo này dựa trên tỉ lệ tăng trưởng kép hàng năm là 3,7% /năm, nguyên nhân do bùng nổ tăng trưởng tại châu Á.
Việt Nam nằm tại vị trí cửa ngõ giao thương hàng không của khu vực và vùng Thông báo bay của Việt Nam đang có mật độ bay và tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới (trung bình 17%/năm), một ngày có trên 2.000 chuyến bay trên bầu trời Việt Nam. Riêng trên đường bay trục Bắc - Nam (một trong 10 đường bay có lưu lượng hoạt động nhộn nhịp nhất thế giới) đã có gần 700 chuyến bay/ngày, chiếm khoảng 35% trên toàn mạng đường bay của Việt Nam.
Kiểm soát viên không lưu trực điều hành tại Đài Kiểm soát không lưu Nội Bài
Với đà tăng trưởng nhanh của ngành Hàng không, tắc nghẽn hàng không sẽ khiến các chuyến bay tại châu Á, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á phải giảm tần suất và tình trạng chậm chuyến, hủy chuyến sẽ gia tăng nhanh chóng trên toàn khu vực. Tại Việt Nam, các sân bay có mật độ cao như Nội Bài, Tân Sơn Nhất đã xảy ra tình trạng vượt ngưỡng năng lực khai thác vào một số khung giờ cao điểm, đặc biệt trong những dịp lễ, Tết, cộng thêm các yếu tố thời tiết bất thường và các hạn chế trong khai thác dẫn đến tình trạng số lượng tàu bay phải bay chờ để hạ cánh tăng cao. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Quản lý luồng không lưu, số chuyến bay phải bay chờ trong năm 2016 là 3.902 lần/chuyến với tổng số 38.554 phút bay chờ (trong đó bao gồm các lý do như thời tiết, kỹ thuật, không lưu và lý do khác).
Hướng tới mục tiêu an toàn, hiệu quả
Mục tiêu chính của quản lý luồng không lưu là quản lý lưu lượng hoạt động bay trong phạm vi trách nhiệm (vùng trời/sân bay) để đảm bảo nhu cầu hoạt động bay được cân bằng với năng lực khai thác trong khi vẫn đảm bảo được yếu tố an toàn và lợi ích cho các bên tham gia.
Việc thực hiện ATFM mang lại nhiều lợi ích rõ rệt cho tất cả các bên tham gia, trong đó bao gồm các nhóm lợi ích về mặt khai thác và nhóm lợi ích về mặt xã hội.
Lợi ích về mặt khai thác như: Nâng cao tính an toàn của hệ thống quản lý không lưu; nâng cao hiệu quả khai thác và khả năng dự báo các tình huống; quản lý hiệu quả giữa nhu cầu hoạt động bay và năng lực khai thác vùng trời/sân bay; nâng cao nhận thức về tình huống giữa các bên tham gia và trong việc phối hợp ra quyết định các kế hoạch hoạt động; giảm chi phí nhiên liệu và vận hành khai thác và quản lý hiệu quả các tình huống bất thường và giảm thiểu hậu quả liên quan đến việc hạn chế năng lực khai thác không lường trước.
Ngoài ra, lợi ích về mặt xã hội gồm có: Nâng cao chất lượng du lịch của ngành Hàng không; tăng cường phát triển kinh tế thông qua quản lý tăng trưởng lưu lượng hoạt động bay; giảm lượng phát thải khí nhà kính liên quan đến ngành Hàng không; giảm thiểu tác động của các tình huống không lường trước liên quan đến hạn chế năng lực khai thác.
Thử nghiệm khai thác ATFM: Nỗ lực đáng ghi nhận
Trong những năm gần đây, nhu cầu hoạt động bay tăng nhanh trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương với phần lớn các chuyến bay bay qua biên giới các quốc gia trong khu vực. Mặc dù các nhà cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay (ANSP), các nhà khai thác sân bay đang nỗ lực triển khai các biện pháp để tăng năng lực sân bay và năng lực không phận nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, tuy nhiên để đảm bảo cân bằng giữa nhu cầu và năng lực với sự tăng trưởng bền vững cần phải có một biện pháp quản lý luồng không lưu chung có hệ thống.
Việt Nam nằm ở trung tâm khu vực Đông Nam Á - một trong những khu vực có nền kinh tế phát triển nhanh, năng động trên thế giới; đang quản lý, điều hành 02 vùng thông báo bay Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với hệ thống mạng đường bay rộng lớn bao gồm 36 đường bay quốc tế và 24 đường bay quốc nội. Đặc biệt vùng FIR Hồ Chí Minh chiếm giữ vị trí quan trọng đối các với hoạt động bay qua lại trên khu vực biển Đông với luồng không lưu từ Tây Nam tới Đông Bắc Á, là một trong 3 luồng không lưu có tần suất cao nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Theo đánh giá của ICAO khu vực, những năm gần đây các đường hàng không A202, A1, L642, M771 có sự bùng nổ về mật độ hoạt động bay, trong đó lưu lượng hoạt động bay trên đường bay A1 đã tăng 26%/năm liên tục trong vòng 5 năm qua.
Hiện tại, Việt Nam đang tham gia Dự án với vai trò là ANSP mức 1 - mức quan sát viên. Tuy nhiên, việc tham gia Dự án ở mức 1 - mức quan sát viên là chưa đủ. Với tình hình hiện tại và xu thế triển khai ATFM trong toàn khu vực, Việt Nam cần tham gia vào Dự án thử nghiệm khai thác ATFM phân phối đa điểm nút. Việc tham gia vào Dự án thử nghiệm cần thiết lập theo từng giai đoạn và từng mức độ để phù hợp với tiến trình phát triển và năng lực hiện có của Việt Nam. Để nâng mức 2 dự án với yêu cầu có khả năng tiếp nhận và tuân thủ CTOT, Việt Nam cần phải tổ chức thiết lập Quản lý luồng không lưu nội địa đồng thời kết nối ATFM với các nước trong khu vực, đáp ứng theo yêu cầu mức 2 của dự án. Điều này cần thiết có sự tham gia của các bên có liên quan trong nước.
Ngày 14/8/2017, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) được đóng vai trò chủ trì thực hiện thử nghiệm khai thác Quản lý luồng không lưu phân phối đa điểm nút (Distributed Multi-Nodal ATFM Operational Trail) mức 2 giữa Việt Nam và Singapore. Kế hoạch thử nghiệm này đã được Cục Hàng không Việt Nam phê duyệt ngày 14/7/2017.
Chương trình thử nghiệm được xây dựng trên kịch bản thử nghiệm hàng tuần áp dụng cho các chuyến bay của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) khởi hành từ sân bay Nội Bài đến sân bay Changi, Singapore. Tham gia kế hoạch thử nghiệm có sự phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan, bao gồm: VATM, Vietnam Airlines và Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam. Trung tâm Quản lý luồng không lưu thuộc VATM là đơn vị thường trực, đầu mối phối hợp với các bên liên quan của Việt Nam và cơ sở ATFM của Singapore.
Tiếp theo đó, Kế hoạch thử nghiệm khai thác ATFM phân phối đa điểm nút giữa Việt Nam và Thái Lan dự kiến thực hiện từ tháng 10/2017 đến tháng 12/2017.
Các kế hoạch thử nghiệm được triển khai thực hiện với các mục tiêu nhằm thiết lập, vận hành các bước thực hiện ATFM trong nước; kiểm tra năng lực của nút Nội Bài, Tân Sơn Nhất đáp ứng yêu cầu mức 2 của Dự án thử nghiệm khai thác ATFM phân phối đa điểm nút và giúp cho các bên liên quan của Việt Nam nhận thức và làm quen với việc phối hợp ra quyết định, hợp tác với nhau cùng triển khai công tác quản lý luồng không lưu ở Việt Nam.
Sau khi thử nghiệm triển khai thành công, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam và các bên tham gia có đủ năng lực thiết lập các nút ATFM đáp ứng mức 2 và tham gia Dự án Thử nghiệm khai thác ATFM đa điểm nút trong khu vực khởi đầu cho những giai đoạn tiếp theo trong lộ trình thực hiện Quản lý luồng không lưu tại Việt Nam
Pv
Who's Online
Đang có 204 khách và không thành viên đang online