- Chi tiết
- Chuyên mục: Tin Tức Hàng Không
Cuộc đua mở đường bay quốc tế trở nên sôi động giữa các hãng hàng không. 2 tuần đầu tháng 7, 6 đường bay từ Việt Nam đi các nước khu vực được mở.
Chỉ trong vòng gần một năm trở lại đây, các tuyến bay thẳng từ những sân bay ngoài Nội Bài và Tân Sơn Nhất đi các điểm đến quốc tế trở thành cuộc đua mới giữa các hãng hàng không Việt. Liên tục các đường bay thẳng từ các tỉnh thành ngoài Hà Nội và TP.HCM đi Thái Lan, Hong Kong hay Nhật Bản... được mở ra.
Ồ ạt mở đường bay quốc tế
Tính từ đầu năm tới nay, 3 hãng hàng không trong nước là Vietnam Airlines, Jetstar Pacific và Vietjet Air đã mở và thông báo mở nhiều đường bay quốc tế mới, trong đó có 7 đường bay đến các quốc gia trong khu vực châu Á.
Ngay từ đầu năm, Jetstar Pacific công bố mở đường bay Đà Nẵng - Hong Kong với tần suất 3 chuyến/tuần. Từ ngày 27/3, các chuyến bay chính thức đi vào hoạt động.
Cũng từ sân bay Đà Nẵng, Vietjet mở đường bay đi/đến Seoul khứ hồi hàng ngày, khai thác từ 31/5.
Trong 2 tháng là tháng 3 và tháng 4, Vietjet tiếp tục khai trương đường bay Hà Nội - Siem Reap (Campuchia) và Hà Nội - Singapore. Đường bay từ Hà Nội - Singapore là đường bay thứ 2 của hãng đến nước này, sau đường bay giữa TP.HCM và Singapore được khai thác từ tháng 5/2014.
Bên cạnh cuộc đua về giá, nhiều hãng tham gia vào cuộc đua... mở đường bay. Ảnh minh hoạ: Jetstar.
Chỉ trong tháng 7, nhiều hãng hàng không trong và ngoài nước đều mở đường bay thẳng đi quốc tế từ các tỉnh thành như Thanh Hóa, Quảng Bình, Đà Nẵng, Cần Thơ.
Các hãng bay trong nước có tuyến quốc tế mới là Jetstar Pacific và Vietjet Air, trong khi các hãng nước ngoài như Air Asia (Malaysia) hay T’way Air (Hàn Quốc) cũng bắt đầu nhảy vào phân khúc thị trường mới đầy tiềm năng này. Theo thống kê, 2 tuần đầu tháng 7 có 6 đường bay mới từ Việt Nam đi các nước trong khu vực.
Các điểm đến quốc tế phổ biến thường được các hãng lựa chọn là Thái Lan, Hong Kong, Malaysia, Myanmar hay Hàn Quốc. Đài Loan với việc nới lỏng thị thực cho công dân Việt Nam cũng đang là một điểm đến được nhiều hãng nhắm tới để mở đường bay thẳng từ các tỉnh.
Mức giá của các đường bay quốc tế mới này được các hãng giá rẻ trong nước cung ứng ở mức dưới 2 triệu đồng chưa bao gồm thuế phí, có chặng bay ngắn giá vé chỉ dưới 1 triệu đồng. Việc hàng loạt đường bay mới được mở giúp hành khách các tỉnh, đặc biệt là ở miền Trung, có thêm sự lựa chọn.
Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, nhu cầu của nhóm khách hàng này không đủ lớn để các hãng đua nhau mở đường bay quốc tế và thực chất đây là cuộc đua về danh tiếng, thành tích chứ không đơn thuần là chiến lược kinh doanh sinh lời.
Hiệu quả tuỳ hãng, thị trường, thời điểm
Đại diện Jetstar Pacific cho biết hãng thường chọn mở các đường bay ít có cạnh tranh. Các đường bay của hãng này cũng được tính toán kỹ lưỡng nhằm phát huy lợi thế của mạng bay.
“Hiệu quả hay không thì cũng tuỳ từng hãng, tuỳ thị trường, thời điểm. Nếu không, các hãng sẽ có kế hoạch điều chỉnh vì ai cũng mong mở ra sẽ phải có hiệu quả”, vị này chia sẻ.
Còn theo đại diện Vietjet Air, nếu không có lãi thì chắc chắn hãng sẽ không khai thác. Vị này cho hay là doanh nghiệp tư nhân, doanh thu và lợi nhuận là yếu tố sống còn nên không có chuyện hãng mở đường bay quốc tế để lấy tiếng.
Cũng theo đại diện doanh nghiệp, hiện các đường bay quốc tế của Vietjet đang sinh lời rất tốt, tỷ lệ lấp chuyến trung bình khoảng 90%.
Tuy nhiên, một chuyên gia trong ngành cho biết năng lực khai thác các chuyến bay quốc tế có sự chênh lệch rõ ràng.
Hiện tại, các đường bay quốc tế của nhiều hãng hàng không chỉ được mở tại những sân bay lớn như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, gần đây là Đà Nẵng. Việt Nam hiện có 9 sân bay quốc tế nhưng các chuyến bay quốc tế từ sân Cát Bi, Cần Thơ, Chu Lai... gần như được khai thác rất ít.
Về đường bay quốc tế, Vietnam Airlines đang vượt trội so với các đơn vị còn lại cả về số lượng điểm đến cũng như độ dài đường bay. Hiện hai hãng giá rẻ là Vietjet Air và Jetstar Pacifics chủ yếu khai thác các điểm đến gần trong khu vực.
Trước đó, CEO của Thiên Minh Group, đơn vị sắp đưa Air Asia về Việt Nam, nhận định cạnh tranh tại phân khúc giá rẻ của hàng không Việt vẫn còn thấp khi mới chỉ có 2 hãng, trong khi ông nhận định thị trường cần khoảng 10 hãng.
Ngô Minh - Thuỷ Tiên
Who's Online
Đang có 215 khách và không thành viên đang online