- Chi tiết
- Chuyên mục: Tin Tức Hàng Không
Cho đến thời điểm này, danh sách doanh nghiệp (DN) đang “xếp hàng” chờ gia nhập thị trường vận tải hàng không liên tục được nối dài với những cái tên đầy bất ngờ.
Sự kiện “đại gia” bất động sản FLC Trịnh Văn Quyết bày tỏ tham vọng “lấn sân” sang hàng không đã khiến thị trường vận tải đang liên tục tăng trưởng 2 con số trong nhiều năm qua này “nóng càng thêm nóng”.
Hiện chưa có nhiều thông tin cho việc gia nhập sân chơi lớn này của tỷ phú Trịnh Văn Quyết ngoài bản Nghị quyết HĐQT của FLC về việc thành lập Công ty TNHH Hàng không Tre Việt (Viet Bamboo Airlines) với vốn điều lệ dự kiến là 700 tỉ đồng, do FLC nắm 100% vốn.
Hành trình để Viet Bamboo Airlines có thể cất cánh sẽ còn rất dài bởi theo Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) Võ Huy Cường, đến thời điểm này, phía FLC chưa hề có bất kỳ liên hệ nào với nhà chức trách hàng không.
Nâng cấp công nghệ là nâng cao chất lượng phục vụ hành khách tại các sân bay.
Theo ông Võ Huy Cường, về nguyên tắc, nếu có DN nộp hồ sơ xin cấp phép mới hoặc bổ sung giấy phép, Cục HKVN vẫn tiếp nhận, thẩm định, trình Bộ GTVT để bộ này báo cáo Chính phủ xin chủ trương.
Tuy nhiên, nếu mạng bay của hãng bao gồm cả Tân Sơn Nhất, Cục HKVN sẽ khuyến cáo nhà đầu tư về khả năng khó được cấp phép trước thời điểm hoàn tất quy hoạch điều chỉnh sân bay này. Trên cơ sở đó, nhà đầu tư sẽ điều chỉnh lại kế hoạch rót vốn vào thời điểm thích hợp.
Mặc dù vậy, về lý thuyết, nếu FLC thực sự quyết tâm, cơ hội không phải là không có. Tuy nhiên, cánh cửa sẽ rất hẹp bởi FLC không phải là cái tên duy nhất “nhăm nhe” gia nhập thị trường hàng không.
Trao đổi với phóng viên Báo CAND, đại diện Hãng hàng không Hải Âu cho biết, đơn vị đang xúc tiến các thủ tục pháp lý cần thiết để nộp hồ sơ xin điều chỉnh mở rộng quy mô hoạt động của Hãng hàng không Hải Âu từ kinh doanh hàng không chung sang kinh doanh vận tải hàng không trong vòng 2 tháng tới.
Điều này cũng đồng nghĩa với việc, Tập đoàn Thiên Minh (TMG) - “cha đẻ” Hãng hàng không Hải Âu và Tập đoàn hàng không giá rẻ của MalaysiaAirAsia vẫn đang rất quyết tâm được “bay” sau khi công bố kế hoạch hợp tác thành lập hãng hàng không giá rẻ tại Việt Nam hồi đầu tháng 4 năm nay.
Đại diện Hải Âu cho biết thêm: Dự kiến mạng bay của liên doanh này sẽ là những tuyến bay mới, sản phẩm mới “không đụng hàng”, thời gian đầu sẽ tập trung vào thị trường quốc tế, cụ thể là các đường bay từ Hà Nội, Đà Nẵng đi các nước Đông Nam Á và châu Á vốn là lợi thế cạnh tranh của AirAsia, trong đó các điểm đến của Việt Nam chỉ là trung chuyển trên mạng bay của AirAsia.
Đáng nói là cũng như Thiên Minh, Vietstar Air vẫn “tha thiết” được bay từ năm 2018 bằng cách điều chỉnh giảm một nửa quy mô và tận dụng mọi năng lực về hạ tầng sẵn có, không ảnh hưởng đến năng lực hiện tại của sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất.
Chưa tính đến các “tân binh” đang chờ gia nhập, thị trường hàng không Việt Nam hiện nay mới chỉ có sự góp mặt của 4 cái tên lớn gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và VASCO, trong đó quyết liệt nhất vẫn là cuộc chiến tay đôi giữa Vietnam Airlines và Vietjet Air.
Theo các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực hàng không, sự bùng nổ của hàng không giá rẻ trong những năm qua đã góp công lớn khiến thị trường có bước phát triển nhảy vọt với mức tăng trưởng hàng năm luôn ở mức 2 con số.
Thực tế, lượng hành khách vận chuyển năm 2016 vừa qua (hơn 50 triệu khách, trong đó, riêng nội địa là hơn 28 triệu khách) đã vượt dự kiến hành khách của năm 2020. Số liệu do nhà chức trách hàng không công bố cho thấy đường bay Hà Nội - TP Hồ Chí Minh là đường bay nội địa nhộn nhịp đứng thứ 4 trên thế giới, chỉ số ghế/km hành khách đứng thứ 24 thế giới.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường cũng tỷ lệ thuận với độ cạnh tranh quyết liệt giữa các hãng hàng không và lợi thế cạnh tranh sẽ nghiêng về bên nào quản lý chi phí hiệu quả để đưa ra mức giá vé hợp lý và dịch vụ tốt nhất.
Bên cạnh đó, dù chưa có thống kê chính thức nào song thị phần nội địa mà đối thủ lớn nhất của Vietnam Airlines – hãng hàng không mới nổi Vietjet đang nắm giữ ước tính cũng đã ở mức trên dưới 40%.
Không thể phủ nhận, sự cạnh tranh của hàng không giá rẻ trong việc nỗ lực mở rộng đường bay, đội bay, liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mãi giá siêu rẻ đã khiến hãng hàng không truyền thống Vietnam Airlines mất đi một lượng khách rất lớn. Không có gì nghi ngờ, nếu có thêm “tân binh”, sức cạnh tranh trên thị trường sẽ càng trở nên khốc liệt, song người dân sẽ có thêm nhiều sự lựa chọn.
Trong khi đó, các số liệu phân tích cho thấy, tỉ lệ người dân đi máy bay của Việt Nam vẫn ở mức thấp nhất so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Năm 2012, tỉ lệ đi lại bằng máy bay của người Việt chỉ đạt 0,5%, tại thời điểm 6 tháng đầu năm 2016 tăng lên được 0,8%.
Dù vậy, thị trường hàng không Việt Nam vẫn trong tình trạng cầu vượt cung, cần thu hút thêm nhà đầu tư tham gia lĩnh vực này. Một chuyên gia hàng không phân tích thị trường Việt Nam hiện có tới 7 hãng hàng không nhưng chỉ 4 hãng khai thác vận tải hành khách công cộng. Như vậy, cần có thêm sự tham gia của những nhân tố mới, giúp thị trường tiếp tục được chia nhỏ, tăng tính cạnh tranh.
Đặng Nhật
Who's Online
Đang có 178 khách và không thành viên đang online