- Chi tiết
- Chuyên mục: Tin Tức Hàng Không
Tại Hội nghị An toàn năm 2017 được tổ chức ngày 27-5, Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines - VNA) đã đánh giá, tổng kết công tác an toàn trong năm vừa qua, đồng thời đưa ra các giải pháp, chiến lược, định hướng mang tính đột phá cho VNA trong thời gian tới để không ngừng hoàn thiện hệ thống quản lý an toàn, nâng cao văn hóa an toàn của Tổng công ty.
Tổng Giám đốc VNA Dương Trí Thành cho biết, trong suốt hơn 20 năm qua, VNA đã và đang bảo đảm an toàn tuyệt đối, không để xảy ra những vụ việc đáng tiếc liên quan đến khai thác bay. Đáng chú ý, trong giai đoạn từ năm 2009 đến nay, tỷ lệ số lượng sự cố, vụ việc liên quan đến an toàn hàng không giảm ba lần. Các chỉ số an toàn của VNA vẫn không ngừng được cải thiện trong bối cảnh quy mô khai thác mở rộng nhanh chóng, thị trường hàng không tăng trưởng nóng.
Trong năm 2016, những chỉ số trọng yếu của an toàn bay vượt trội so với các hãng hàng không khác trong nước, và ở mức cao so với mặt bằng chung thế giới theo số liệu của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA). Đây là minh chứng cho quyết tâm và nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống, từ các cấp lãnh đạo cho đến nhân viên tuyến đầu để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho từng chuyến bay.
Theo Tổng Giám đốc Dương Trí Thành, để có những kết quả tích cực này, VNA đã luôn chú trọng, chủ động nâng cao năng lực trong lĩnh vực bảo đảm an toàn hàng không. Cụ thể, từ tháng 10-2014, hãng đã triển khai chương trình Enhanced IOSA tự nguyện (Volunteer E-IOSA) trước khi yêu cầu bắt buộc thực hiện từ tháng 9-2015.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại hội nghị, Thứ trưởng Giao thông vận tải (GTVT) Lê Đình Thọ đánh giá: Vấn đề an toàn không chỉ gói gọn trong lĩnh vực hàng không, hay một đơn vị, hoặc ở một cấp, một ngành, mà của tất cả các lĩnh vực trong ngành giao thông. Mục tiêu cao nhất chúng ta đều phải hướng đến là sự an toàn. Các cơ quan tham mưu, các đơn vị của Bộ GTVT đang thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực nhằm hạn chế tai nạn giao thông theo chức năng nhiệm vụ của Bộ GTVT. Đối với hàng không - đơn vị dẫn đầu trong việc bảo đảm an toàn giao thông, những kết quả an toàn đạt được thời gian qua là một trong những điều đáng tự hào và cho thấy sự nỗ lực, công lao đóng góp to lớn của các đồng chí lãnh đạo, các thế hệ cán bộ, nhân viên của ngành hàng không nói chung. Đáng chú ý, Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (VNA) đã có vai trò hết sức quan trọng, bên cạnh vị thế dẫn đầu của hãng hàng không chủ lực, còn luôn coi trọng và dẫn đầu vấn đề an toàn.
Thứ trưởng GTVT cũng nhấn mạnh, đối với an toàn ngành hàng không, vấn đề con người, phát triển nguồn nhân lực là yếu tố quyết định, vì vậy chúng ta cần phải quan tâm và chỉ đạo sát sao, từ khâu tuyển dụng đến khâu đào tạo và sử dụng.
Bước sang năm 2017, VNA phấn đấu hoàn thành chương trình tiếp tục công nhận và đánh giá gia hạn chứng chỉ người khai thác tàu bay (AOC) phục vụ dự án nâng cao năng lực giám sát an toàn của Cục Hàng không Việt Nam nhằm mục tiêu được Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ (FAA) phê chuẩn mức 1 về an toàn (CAT1), chương trình đánh giá gia hạn chứng chỉ an toàn khai thác của IATA (IOSA)... Trong đó, hệ thống quản lý an toàn hiệu quả và văn hóa an toàn là yếu tố cốt lõi, mang tính quyết định. Sau nhiều năm xây dựng và vận hành hệ thống quản lý an toàn với nỗ lực của toàn Tổng công ty Hàng không Việt Nam, hệ thống quản lý an toàn đã và đang không ngừng hoàn thiện, đáp ứng các tiêu chuẩn của các nhà chức trách hàng không, các hiệp hội, liên minh mà VNA tham gia với tư cách thành viên.
Hệ thống quản lý an toàn dựa vào dữ liệu an toàn để dự báo, xác định các nguy cơ, từ đó xử lý, phòng ngừa rủi ro kịp thời. Các thông tin này được thu thập, tổng hợp từ báo cáo của phi công, tiếp viên, điều hành khai thác, nhân viên kỹ thuật, thợ cơ khí, nhân viên mặt đất,... Hệ thống quản lý cần sự tham gia, phối hợp của nhiều đơn vị, nhiều khâu trong hệ thống vận hành.
Tổng Giám đốc Dương Trí Thành khẳng định: Để hệ thống quản lý an toàn vận hành hiệu quả hơn nữa, toàn bộ hệ thống cần củng cố niềm tin và sự chia sẻ thẳng thắn, cởi mở giữa các cấp trong hệ thống quản lý an toàn, hay nói cách khác là xây dựng văn hóa an toàn - đề cao sự công bằng và chia sẻ thông tin. Theo đó, nhân viên được khuyến khích chủ động báo cáo trung thực về sự cố hoặc các sự việc ảnh hưởng tới an toàn mà không phải chịu sự trừng phạt hay kỷ luật, nhưng vẫn có ranh giới rõ ràng giữa những hành vi chấp nhận được và không thể chấp nhận, ảnh hưởng đến sự an toàn của hệ thống cũng như tính mạng của hàng trăm hành khách trên mỗi chuyến bay.
Tại hội nghị, lãnh đạo Tổng công ty Hàng không Việt Nam nhấn mạnh: Mỗi cán bộ, nhân viên ở mọi cương vị và vị trí công tác cần nêu cao tinh thần, trách nhiệm, ý thức tuân thủ quy trình, quy định an toàn khai thác; cần siết chặt kỷ cương, duy trì tính nghiêm túc việc tuân thủ hệ thống, đẩy mạnh đào tạo, tăng cường công tác tuyên truyền văn hóa an toàn ở mọi cấp trong Tổng công ty; cải tiến phương thức, tăng cường áp dụng công nghệ trong việc vận hành quản lý an toàn.
nhandan
Who's Online
Đang có 225 khách và không thành viên đang online