- Chi tiết
- Chuyên mục: Tin Tức Hàng Không
Từ đầu năm đến nay, Cục Hàng không Việt Nam liên tục ra các quyết định cấm bay đối với hành khách do gây sự với tiếp viên, hành khách và dùng giấy tờ giả...
Vì sao hành khách bị cấm bay?
Theo thống kê của Cục Hàng không Việt Nam (Bộ GTVT), quyết định cấm bay được ban hành có xu hướng gia tăng so với những năm trước. Các hành vi vi phạm dẫn đến hình phạt được cho là nặng nhất trong lĩnh vực hàng không khá đa dạng, trong đó nhiều nhất là hành vi sử dụng giấy tờ giả để đi máy bay hoặc gây rối trật tự công cộng, vi phạm kỷ luật tại các cảng hàng không, sân bay.
Hành khách sử dụng giấy tờ giả đi máy bay sẽ bị cấm bay để răn đe. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN
Mới đây nhất, Cục Hàng không Việt Nam đã ra quyết định cấm bay với bà Trần Thị T, 44 tuổi, quê Nghệ An là hành khách đi trên chuyến bay VJ134 từ TP Hồ Chí Minh - Hà Nội tối ngày 3/4/2017. Do lên máy bay muộn và không được ngồi ở hàng ghế đầu, bà T đã nổi nóng mắng chửi tiếp viên, gây sự với hành khách khác can ngăn. Hành động của bà T đã khiến chuyến bay bị chậm 50 phút so với giờ khởi hành.
Cảng vụ Hàng không miền Nam sau đó đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính bà Trần Thị T 4 triệu đồng đối với hành vi gây mất trật tự trên máy bay, nhưng quá thời hạn thi hành quyết định, bà T nhiều lần cố tình chống đối không chịu nộp phạt, không hợp tác. Cảng vụ Hàng không miền Nam phải phối hợp với công an cơ sở nơi cư trú mới xác định được sự hiện diện của bà T để tống đạt quyết định, nhưng bà T vẫn tiếp tục không ký nhận, trốn tránh nộp phạt. Cục Hàng không Việt Nam cuối cùng phải ra quyết định cấm bay đối với bà T 12 tháng. Sau thời hạn cấm bay, nếu bà T đi lại bằng đường hàng không sẽ phải chịu sự kiểm tra bắt buộc trong 12 tháng tiếp theo.
Lệnh cấm bay đối với bà T đã được thông báo đến tất cả các sân bay trong cả nước, tất cả các hãng hàng không nội địa và nước ngoài đang khai thác đường bay đến Việt Nam. Đồng thời, thông báo đến công an, hải quan cửa khẩu để phối hợp thực hiện, ngăn chặn bà T đi lại bằng đường hàng không trong thời gian hiệu lực của quyết định. Như vậy bà T sẽ bị cấm bay trên toàn lãnh thổ Việt Nam cho đến hết ngày 21/5/2018 và phải chịu sự kiểm tra trực quan từ ngày 22/5/2018 đến ngày 22/5/2019 khi đi lại bằng đường hàng không.
Hay trường hợp ông N.D.V, sinh năm 1959, trú tại số 178 Nguyễn Trường Tộ, TP Vinh, Nghệ An. Ông V. có hành vi đánh người phụ nữ đi cùng chuyến bay SU290 từ Nga về Việt Nam ngày 3/3/2017, sau đó không chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng của Cảng vụ Hàng không miền Bắc. Ngày 24/4, Cục Hàng không Việt Nam đã ra quyết định cấm bay 18 tháng đối với ông N.D.V. Ông này sau đó tiếp tục phải chịu sự kiểm tra trực quan trong 6 tháng tiếp theo.
Một trường hợp nữa là hành khách Phạm Minh Lộc bị Cục Hàng không Việt Nam ra quyết định cấm bay 6 tháng do sử dụng giấy CMND mang tên Nguyễn Minh Hoàng do Công an tỉnh Bắc Ninh cấp ngày 2/3/2008 và thay ảnh của mình vào để làm thủ tục đi chuyến bay VJ 181 từ Hà Nội đi TP Hồ Chí Minh hồi đầu tháng 4/2017…
Cấm bay để đảm bảo an ninh hàng không
Nghị định 92/2015/CP của Chính phủ về an ninh hàng không quy định: Hình thức cấm bay có 3 mức áp dụng với các trường hợp hành khách gây rối; không thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính; dọa hoặc cố tình tung tin sai về bom mìn…
Kiểm tra giấy tờ hành khách là thủ tục bắt buộc trước các chuyến bay. Ảnh: Huy Hùng/TTXVN
Theo đó, 3 mức cấm bay gồm: Cấm bay từ 3 - 12 tháng; cấm bay từ 12 - 24 tháng và cấm bay vĩnh viễn. Trong đó, thời hạn cấm bay từ 3 - 12 tháng áp dụng với các trường hợp hành khách gây rối; không thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính; dọa hoặc cố tình tung tin sai về bom mìn; sử dụng giấy tờ giả để đi máy bay; có hành vi vi phạm trật tự công cộng, kỷ luật tại cảng hàng không, sân bay, trên máy bay. Cấm bay có thời hạn từ 12 - 24 tháng hoặc cấm bay vĩnh viễn áp dụng cho các trường hợp đã bị xử lý nhưng vẫn tái phạm, các trường hợp gây bạo loạn...
Các chuyên gia hàng không nhận định việc Chính phủ ban hành Nghị định 92/CP quy định cụ thể về các hành vi cấm bay thể hiện quyết tâm ngăn ngừa các hành vi gây rối, các hành vi có nguy cơ gây mất an toàn, an ninh hàng không.
Còn theo Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Sơn, các quy định trong Nghị định 92/CP đủ sức răn đe các hành vi vi phạm. Song, hành khách vẫn vi phạm là do không nhận thức hết hậu quả từ hành vi của mình hoặc không nắm rõ các chế tài xử phạt nếu vi phạm. Đáng lo ngại là các trường hợp hành khách sử dụng giấy tờ giả mạo để đi máy bay dẫn đến bị cấm bay đều không lường trước hậu quả làm tăng nguy cơ mất an ninh hàng không…
Được biết, hiện tượng sử dụng giấy tờ giả để đi máy bay đang có dấu hiệu gia tăng, chủ yếu là do hành khách mua vé giá rẻ, song bận việc, nên để người nhà đi thay hoặc do các đại lý vé máy bay đã mua nhiều vé khuyến mại, rồi bán lại cho hành khách, nhưng người mua không nắm hết các quy định về an ninh hàng không và hệ lụy liên quan, nên đã sử dụng giấy tờ giả để lên máy bay.
Nghị định 147/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng quy định, tất cả trường hợp giả mạo giấy tờ bị phát hiện đều bị các hãng hàng không từ chối vận chuyển và hủy vé. Hành khách không chỉ bị mất tiền mua vé, mà còn bị cảng vụ hàng không tại chỗ lập biên bản xử phạt từ 5 - 10 triệu đồng.
Đăng Sơn/Báo Tin Tức
Who's Online
Đang có 221 khách và không thành viên đang online