- Chi tiết
- Chuyên mục: Tin Tức Hàng Không
Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ được mở rộng, nâng cấp đồng bộ để tiếp tục là đầu mối giao thông hàng không quan trọng nhất ở khu vực phía Nam trong 10 năm tới, với công suất 43 -45 triệu hành khách/năm.
T3 thành nhà ga “dự bị”
Theo thông tin của Báo Đầu tư, cuối tuần qua, Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đã chính thức đề nghị Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Phương án tháng 5).
Nhiều khả năng, đây sẽ là phương án cuối cùng bởi được hoàn thiện trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp của thường trực Chính phủ vào cuối tháng 3/2017 cũng như ý kiến góp ý của Hội đồng Thẩm định với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành, địa phương liên quan.
Sân bay Tân Sơn Nhất đang trong tình trạng quá tải. Ảnh: Đức Thanh
So với phương án được Bộ GTVT xin ý kiến các bộ, ngành và UBND TP.HCM vào cuối tháng 3/2017, Phương án tháng 5 có khá nhiều thay đổi nhằm đảm bảo tính khả thi trong việc triển khai quy hoạch công trình trọng điểm cấp quốc gia này.
Cụ thể, thay vì gộp chung như Phương án tháng 3, Sân bay Tân Sơn Nhất đã được cơ quan lập quy hoạch tách ra làm 2 phần: các công trình dân dụng, công trình dùng chung dân sự - quân sự do hàng không dân dụng quản lý và các công trình liên quan tới hàng không dân dụng trên phần đất quốc phòng.
Trong phương án mới nhất, tổng diện tích Sân bay Tân Sơn Nhất trong quy hoạch điều chỉnh sẽ được mở rộng từ 574,4 ha hiện hữu lên 617,05 ha, trong đó, quy hoạch các công trình dân dụng quản lý, đất dùng chung dân dụng - quốc phòng do hàng không dân dụng quản lý là 566,66 ha; quy hoạch các công trình liên quan đến hàng không dân dụng trên phần đất quốc phòng là 50,39 ha,
Ngoài việc có thêm một số các công trình thuộc khu bay, thoát nước, điểm nhấn quan trọng nhất trên phần diện tích do hàng không dân dụng quản lý là việc Bộ GTVT đề xuất bổ sung vào quy hoạch Nhà ga hành khách phục vụ hàng không dân dụng (Nhà ga hành khách T4) với công suất thiết kế khoảng 15 triệu hành khách/năm, nâng tổng công suất của Sân bay Tân Sơn Nhất lên 43 - 45 triệu hành khách/năm. Để đảm bảo hoạt động khai thác, trên phần đất do dân dụng quản lý, Bộ GTVT quy hoạch 80 - 85 vị trí đậu khai thác phục vụ hành khách.
“Ngoài việc sử dụng sân đỗ tàu bay dân dụng hiện hữu, sẽ bổ sung hệ thống sân đỗ tàu bay dùng chung dân dụng, quân sự tại khu đất 19,97 ha đã được Bộ Quốc phòng tạm bàn giao Bộ GTVT để đầu tư nâng cấp và khai thác, sử dụng”, văn bản do Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa ký gửi nêu rõ.
Đối với phần đất quốc phòng, Bộ GTVT vẫn muốn đưa vào quy hoạch Nhà ga lưỡng dụng T3 và một số công trình dịch vụ hàng không, trước mắt phục vụ mục đích quân sự và có thể dự phòng phục vụ cho hàng không dân dụng trên khu vực đất khoảng 12,65 ha (nằm ở phía Tây Nam khu vực sân đỗ 19,79 ha).
Theo ông Phạm Trịnh Phương, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH MTV Hàng không Vietstar, chủ đầu tư Nhà ga T3, đơn vị này đang thuê tư vấn Singapore để xây dựng tại vị trí này một nhà ga hiện đại có công suất 10 triệu hành khách/năm. Như vậy, nếu thực hiện đủ quy hoạch, công suất phục vụ của Sân bay Tân Sơn Nhất có thể vượt ngưỡng 50 triệu hành khách/năm.
Liên quan hệ thống giao thông tiếp cận, bên cạnh việc cải tạo, mở rộng đường 18E nối từ đường Cộng Hòa vào Nhà ga hành khách T4; cải tạo, mở rộng đường Hoàng Hoa Thám để nối từ đường Cộng Hòa vào Nhà ga T3 được đề cập trong Phương án tháng 3, Bộ GTVT đề xuất thêm tuyến đường trên cao kết nối từ ga hành khách ra khu vực đường Phan Thúc Duyệt, Trần Quốc Hoàn. Với việc bổ dung một loạt hệ thống đường tiếp cận vào quy hoạch, các cửa ra, vào sân bay sẽ thuận lợi hơn cho hành khách.
ACV cầm cái
Do xếp Nhà ga T3 ở vị trí “dự bị” và chỉ xây Nhà ga T4 ở quy mô 15 triệu hành khách/năm, nên tổng mức đầu tư để thực hiện quy hoạch này chỉ khoảng 16.000 tỷ đồng (tính riêng cho các công trình hàng không dân dụng), so với 19.350 tỷ đồng được nêu trong Phương án tháng 3.
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án giải quyết tình trạng ùn tắc tại Sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép tổ chức thực hiện các dự án nằm trong quy hoạch điều chỉnh, bao gồm cả các dự án giao thông kết nối được thực hiện theo lệnh khẩn cấp, có tính cấp bách (được quy định tại khoản 2, Điều 43, Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ).
Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo sự đồng bộ trong quản lý khai thác, đặc biệt đối với khu vực đất tạm giao của Bộ Quốc phòng, Bộ GTVT đề xuất với Thủ tướng Chính phủ phương án giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt - ACV (đơn vị khai thác Cảng) là chủ đầu tư, chủ trì trong việc nghiên cứu, huy động vốn đầu tư xây dựng Nhà ga hành khách T4 và các dự án đầu tư xây dựng trong khu bay.
Được biết, đối với khu hàng không dân dụng, ACV với tư cách “chủ nhà”, đã đề nghị bộ chủ quản cho phép huy động vốn xã hội hóa để thực hiện Dự án Nhà ga hành khách quốc nội Tân Sơn Nhất theo phương án thành lập công ty cổ phần với vốn nhà nước tham gia không quá 30%.
Các chỉ tiêu theo quy hoạch
Là cảng hàng không quốc tế cấp 4E theo quy định của ICAO.
Sản lượng vận chuyển hành khách: 43 - 45 triệu hành khách/năm.
Sản lượng vận chuyển hàng hóa: 0,8 - 1 triệu tấn hàng hóa/năm.
Tổng số vị trí đỗ: 80 - 85 vị trí.
Loại máy bay khai thác: ATR72, A320, A321, B747, B777/787, A350 và tương đương.
Phương thức tiếp cận hạ cánh: CAT II.
Cần phải nói thêm rằng, việc xã hội hóa đầu tư 2 nhà ga T3, T4 để mở rộng, nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư và các hãng hàng không lớn trong nước.
Liên quan phương thức đầu tư dự án này, một lãnh đạo Vụ PPP (Bộ GTVT) cho biết, Bộ GTVT đang giao Cục Hàng không Việt Nam nghiên cứu, đề xuất dự án cũng như phương án lựa chọn nhà đầu tư góp vốn cùng ACV sao cho đúng và trúng, đảm bảo khách quan, minh bạch và hiệu quả.
Được biết, hiện nút thắt trong huy động vốn mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất là kinh phí thực hiện đầu tư mở rộng khu bay. Theo phương án cổ phần hóa ACV được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, kết cấu hạ tầng khu bay bao gồm đường lăn, đường cất hạ cánh do Nhà nước quản lý và đầu tư, thuộc trách nhiệm ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, do nguồn vốn ngân sách nhà nước hạn hẹp, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép ACV ứng vốn để thực hiện đầu tư ngay đường lăn, sân đỗ Sân bay Tân Sơn Nhất.
“Về phương án hoàn vốn, đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng dự phòng ngân sách trung ương trong giai đoạn 2017 - 2019 và giữ lại nguồn thu từ phương án cho thuê kết cấu hạ tầng khu bay và giữ lại tiền cổ tức hàng năm của Nhà nước tại ACV”, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa đề xuất.
Anh Minh
Who's Online
Đang có 249 khách và không thành viên đang online