- Chi tiết
- Chuyên mục: Tin Tức Hàng Không
Cần Thơ muốn có thêm đường bay mới về thành phố này bằng cách dùng ngân sách hỗ trợ các hãng hàng không…
Một số đường bay thử nghiệm đến Cần Thơ đã phải tạm dừng. Trong ảnh: hành khách đến sân bay Cần Thơ. Ảnh: Chí Quốc
Ngày 11-5, ông Võ Thành Thống, chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, cho biết trong năm 2017, để tăng hiệu quả cho sân bay quốc tế Cần Thơ, thành phố này phối hợp với Cục Hàng không VN, các hãng hàng không mở thêm ba đường bay mới là Cần Thơ - Cam Ranh, Cần Thơ - Hải Phòng và Cần Thơ - Bangkok.
Muốn lấy ngân sách hỗ trợ
Theo Sở Giao thông vận tải thành phố Cần Thơ, để khai thác hiệu quả các đường bay mới, chia sẻ khó khăn với các hãng hàng không, sở đã đề xuất lãnh đạo thành phố và Cục Hàng không VN ba phương án hỗ trợ các hãng hàng không khi mở đường bay mới đến Cần Thơ như: bù lỗ năm đầu tiên cho các hãng hàng không, hoặc hỗ trợ một phần số lượng ghế trên các chuyến bay xuất phát từ cảng hàng không quốc tế Cần Thơ (hỗ trợ chi phí 20-30% số lượng ghế).
Phương án ba là hỗ trợ một phần số lượng ghế trên từng chuyến bay xuất phát từ Cần Thơ (với điều kiện số lượng ghế khai thác trong từng chuyến bay thấp hơn 70% số ghế hiện có của máy bay).
Mức hỗ trợ tối đa không quá 30% số ghế trên từng chuyến bay. Với các phương án này, mức hỗ trợ cho đường bay nội địa không quá 5 tỉ đồng/năm/đường bay mới, còn đường bay quốc tế không quá 8,5 tỉ đồng/năm/đường bay mới.
Theo thông tin của Tuổi trẻ, UBND thành phố Cần Thơ đang chỉ đạo Sở Giao thông vận tải lấy ý kiến các đơn vị liên quan để xây dựng, hoàn thiện khung cơ chế chính sách hỗ trợ các hãng hàng không.
Ông Võ Thành Thống cho biết thêm lộ trình mở đường bay mới đến Cần Thơ từ đây đến năm 2020, dự kiến mở khoảng 5 đường bay quốc tế từ Cần Thơ đến Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và 3 đường bay nội địa gồm: Cần Thơ - Vinh, Cần Thơ - Đà Lạt, Cần Thơ - Cam Ranh.
Hãng hàng không chưa mặn mà
Trong khi đó, nhiều hãng hàng không hoan nghênh việc Cần Thơ bù lỗ nhưng cho rằng đường bay đến Cần Thơ chưa thật sự hấp dẫn, lượng khách đi khá ít. Trong khi đó, việc mở đường bay mới không chỉ tốn chi phí mà mỗi chuyến bay phải đầy khoảng 70% chỗ ngồi mới thu hồi được vốn.
Đánh giá đề xuất bù lỗ của Cần Thơ, đại diện Hãng VietJet cho rằng vẫn cần phải có những chương trình cụ thể. “Hiện tại, lượng khách trên các chuyến bay đến Cần Thơ tạm ổn nhưng so với các đường bay khác, Cần Thơ không phải là đường bay hấp dẫn” - đại diện VietJet nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Jetstar Pacific cho rằng trường hợp nhu cầu đi lại đông thì không cần hỗ trợ, mà các hãng hàng không sẽ chủ động khai thác. Năm 2009, Hãng Jetstar lần đầu tiên triển khai dịch vụ hàng không giá rẻ đường bay Hà Nội - Cần Thơ, nhưng nhu cầu đi lại còn thấp nên hãng phải tạm ngừng.
Tính toán kỹ hiệu quả
Chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín cho rằng việc dùng ngân sách thu hút các hãng mở đường bay mới để bù lỗ tại Cần Thơ là thiếu cơ sở.
“Hiện nhiều hãng mong muốn vào để kinh doanh bay tại VN. Tại sao lại đề xuất dùng ngân sách hỗ trợ trong khi ngân sách nhà nước đang thiếu hụt như thế?” - ông Tín nói và cho rằng phải có khảo sát đánh giá, chứng cứ khoa học về hiệu quả mới có thể dùng ngân sách để bù lỗ cho hãng bay.
Lâu dài phải nghiên cứu căn cơ
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Võ Huy Cường, phó cục trưởng Cục Hàng không, hoan nghênh phương án hỗ trợ các hãng hàng không mở đường bay đến Cần Thơ mà TP Cần Thơ đưa ra, vì TP Hải Phòng cũng từng thực hiện hỗ trợ.
Tuy nhiên, ông Cường cũng nhìn nhận sự hỗ trợ của TP Cần Thơ là bước đầu. Về lâu dài phải nghiên cứu căn cơ, cụ thể dựa trên vai trò của cảng hàng không Cần Thơ và những tiềm năng có thể khai thác. Nếu thu hút được khách ở khu vực Tây Nam Bộ đến Cần Thơ đi máy bay thay vì lên Tân Sơn Nhất, ông Cường cho rằng sẽ giảm áp lực cho sân bay Tân Sơn Nhất.TUẤN PHÙNG
Nguồn Tuổi trẻ
Who's Online
Đang có 168 khách và không thành viên đang online