- Chi tiết
- Chuyên mục: Tin Tức Hàng Không
Với tái đề nghị cấp phép bay, Vietstar xin giảm số lượng tàu bay từ 23 chiếc xuống còn 10 chiếc, trong đó số lượng tàu bay đỗ tại sân bay Tân Sơn Nhất chỉcòn 5 chiếc.
Vietstar Airlines điều chỉnh hồ sơ kế hoạch để xin cấp phép kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng không sớm. Ảnh: Vietstar Airlines
Công ty TNHH MTV Vietstar mới đây nhất tiếp tục có văn bản gửi Chính phủ, tái đề nghị xem xét và cấp phép kinh doanh vận chuyển dịch vụ hàng không.
Theo đó, thay vì kế hoạch đầu tư 23 máy bay giai đoạn từ 2017 đến 2021, lần đề nghị này, Vietstar xin giảm số lượng tàu bay xuống còn 10 chiếc, trong đó số lượng tàu bay đỗ tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất chỉ là 5 chiếc, 5 chiếc còn lại sẽ được lưu chuyển đỗ qua đêm tại Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.
“Với cơ sở hiện có của Vietstar Aviation (2 hangar tại Tân Sơn Nhất có thể chứa được 5 tàu bay chủng loại tàu bay A320/321 và B737), kế hoạch khai thác 10 tàu bay của Công ty Vietstar với 5 tàu bay đỗ qua đêm tại Tân Sơn Nhất là khả thi”, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Vietstar Phạm Trịnh Phương khẳng định, đồng thời chia sẻ:
“Các hangar (nhà chứa máy bay) bảo dưỡng tàu bay tại sân bay Tân Sơn Nhất của Công ty CP Kỹ thuật hàng không Ngôi Sao Việt (cùng tập đoàn với Vietstar) cũng có thể cho phép 5 tàu bay này đỗ qua đêm trong hangar vào những thời điểm sân bay thiếu vị trí đỗ tàu bay qua đêm, để nhường chỗ sân đỗ tàu bay cho các hãng hàng không khác”.
Bên cạnh đó, vị Chủ tịch của Vietstar cho biết đã điều chỉnh kế hoạch khai thác và phương án đảm bảo tàu bay khai thác phù hợp với nhu cầu thị trường và đáp ứng khả năng của hạ tầng cảng hàng không Việt Nam theo đúng yêu cầu từ phía Cục Hàng không Việt Nam.
Theo ông Phương, Cục Hàng không Việt Nam sẽ chỉ phê duyệt lịch bay cho các hãng hàng không (bao gồm cả Vietstar) vào các khung giờ mà sân bay Tân Sơn Nhất cung cấp được quầy thủ tục, phòng chờ, cửa ra tàu bay, sân đỗ tàu bay trong giới hạn công suất của cảng hàng không được công bố một cách chặt chẽ và hợp lý.
Lần điều chỉnh kế hoạch này của Vietstar được cho là nỗ lực nhằm giải quyết những rào cản liên quan tới sự phát triển quá nóng của sân bay Tân Sơn Nhất nói riêng và cả ngành hàng không Việt Nam nói chung. Đây cũng là vướng mắc chính khiến cho đề nghị cấp giấy phép bay của Vietstar chưa nhận được sự đồng ý từ phía Chính phủ trong lần trình duyệt trước đó.
Theo văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ do Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký ngày 7/4 gửi Bộ Giao thông Vận tải, việc chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án vận tải hàng không và cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho Vietstar Air sẽ được xem xét sau khi đã hoàn thành xây dựng thêm nhà ga hành khách và sân đỗ tàu bay theo đúng Phương án điều chỉnh Quy hoạch Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Hiên Phương án này vẫn đang trong thời gian hoàn thiện và sớm nhất sẽ được phê duyệt trong quý 2/2017 với lộ trình xây dựng là 3 năm. Do vậy, để được cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng không, Vietstar sẽ còn phải chờ một khoảng thời gian dài nữa trước khi chính thức được bay.
Công ty TNHH MTV Vietstar mới được thành lập hồi tháng 6/2016, có vốn điều lệ 300 tỷ đồng do ông Phạm Trịnh Phương là Chủ tịch Hội đồng thành viên. Ngay sau khi thành lập, Vietstar đã trình đề nghị xem xét cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ hàng không lên Bộ Giao thông vận tải.
Kết quả thẩm định của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, hồ sơ của Công ty Vietstar đáp ứng đầy đủ các quy định hiện hành, bao gồm những điều kiện tối cần thiết như văn bản xác nhận vốn, thỏa thuận về việc thuê tàu bay, bản sao các văn bằng chứng chỉ chuyên môn của người phụ trách.
Vietstar dự kiến, nếu được cấp phép bay, sẽ cất cánh ngay trong năm 2017, trở thành hãng hàng không thứ 5 trên thị trường nội địa Việt Nam, cùng với Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet Air và Vasco./.
bnews
Who's Online
Đang có 160 khách và không thành viên đang online