- Chi tiết
- Chuyên mục: Tin Tức Hàng Không
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải (GT-VT) Nguyễn Hồng Trường tại cuộc họp báo quý I-2017 trước câu hỏi liệu có hay không việc Bộ GT-VT “lấp lửng ủng hộ” hãng hàng không, qua việc cố tình trình xin ý kiến của Chính phủ về việc giá sàn, giá trần vé máy bay, trong khi Bộ GTVT có thẩm quyền quyết vấn đề giá vé.
Bộ GT-VT không đề xuất áp giá sàn vé máy bay
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, hiện nay thị trường đa dạng hóa các hãng hàng không (gồm hàng không tư nhân, hàng không quốc gia, sắp tới có thêm hàng không tư nhân quốc tế tham gia). Việc trình xin ý kiến của Chính phủ về việc giá sàn, giá trần vé máy bay để Chính phủ nắm được chủ trương chỉ đạo các cơ quan chuyên ngành để có thống nhất có cái nhìn tổng quát trong giai đoạn sắp tới.
“Bộ Giao thông Vận tải không bao giờ đặt lợi ích cho 1 hãng hàng không nào mà trước hết phải là lợi ích của người dân, quan trọng nhất là đưa ra cơ chế phù hợp đảm bảo tính cạnh tranh, lợi nhuận đi đôi với chất lượng dịch vụ”, ông Trường khẳng định.
Theo ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, giá trần và giá sàn hàng không là một vấn đề có ảnh hưởng lớn đến vận chuyển hàng không, đặc biệt là người dân với tư cách là hành khách. Do vậy, đây không phải đề xuất của cơ quan quản lý Nhà nước mà là 1 hãng hàng không, tuy nhiên cơ quan quản lý Nhà nước phải có trách nhiệm trả lời, nghiên cứu đánh giá của hãng hàng không về nâng giá trần và bổ sung giá sàn.
Nhiều chuyên gia cho rằng, nếu áp dụng giá sàn vé máy bay, người dân sẽ không được hưởng lợi.
Để nghiên cứu và đánh giá, ông Thanh cho biết, giá trần, giá sàn vé máy bay liên quan đến cả hệ thống pháp luật về hàng không, về giá và Luật cạnh tranh, điều tiết vĩ mô của Nhà nước về thị trường, đặc thù thực tiễn của ngành hàng không trên cơ sở đảm bảo lợi ích của Nhà nước, xã hội, doanh nghiệp, đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh bình đẳng lợi ích của người dân được tiếp cận loại hình hàng không.
“Cục Hàng không nhiều lần kiến nghị trong điều kiện kinh tế thị trường không nên áp dụng giá trần nhưng Quốc hội cho rằng đây là ảnh hưởng đến lợi ích của người dân nên vẫn ban hành giá trần. Vì thế, dự thảo tới có thể xảy ra nhiều kịch bản trường hợp như giữ giá trần hay bổ sung giá sàn, bỏ giá trần giữ giá sàn, bỏ cả giá trần và sàn”, ông Thanh tiết lộ.
Giải đáp về dự án đầu tư mua máy đuổi sinh vật lạ tại sân bay đang có dấu hiệu cao hơn bình thường, ông Lại Xuân Thanh cho biết vấn đề này đã có chủ trương từ lâu. Cục Hàng không cũng được giao nghiên cứu để triển khai. Hiện nay trên thế giới, hệ thống này không có nhiều nhà sản xuất, nên một vài nơi khi Cục tìm hiểu thì họ báo giá cao.
“Tôi khẳng định quan điểm của Cục Hàng không là để các nhà khoa học Việt Nam thực hiện, tới đây, sau khi được thông qua, Cục sẽ cho lắp đặt tại một đường băng để thí điểm. Tôi không dám chắc rẻ hơn 50% với báo giá hiện tại hay không, nhưng tôi chắc chắn là sẽ rẻ hơn nhiều so với giá họ đưa ra”, ông Thanh nói.
Sẽ nghiên cứu việc xây dựng “bến xe lưu động”
Đề cập tới vấn đề cũng rất nóng thời gian gần đây là xử lý xe dù bến cóc, nhất là xe hợp đồng trá hình chạy như xe khách tuyến cố định, ông Trường cho biết dự thảo sửa đổi Nghị định 86 sẽ quan tâm tới giải pháp xử lý nghiêm xe hợp đồng trá hình.
Theo ông Trường, từ trước đến nay, chưa có nghị định nào thường xuyên bổ sung và thay đổi nhiều như Nghị định về vận tải. Nghị định 86 sẽ hoàn thiện theo hướng xe hoạt động phải có biển hiệu, hợp đồng nghiêm túc tránh xâm hại quyền lợi của khách. Đồng thời xử lý nghiêm nhà xe không chấp hành quy định. Với xe khách, nhiều nước trên thế giới có nhiều hình thức bắt khách như có các bến cố định.
Tuy nhiên, để giải quyết vấn đề đi lại trong dịp có khả năng đông, thì cũng cần có các bến lưu động. Song tới đây ta cũng cần phải nghiên cứu loại hình bến lưu động này, để tạo điều kiện hơn cho người dân.
Tại cuộc họp báo, lãnh đạo Bộ GT-VT cũng thông tin về chính sách giảm phí ở một số trạm BOT. Cụ thể, với vùng thu nhập của người dân không cao như Bắc Kạn, Hòa Bình, nhà đầu tư đã bán vé tháng, vé quý để giảm chi phí, nhưng họ vẫn chưa đồng tình.
Với tinh thần này, Bộ đã đề nghị địa phương họp, có kiến nghị đồng nhất gửi về Bộ GT-VT, để khi Bộ tiếp nhận thì dưới địa phương không còn thắc mắc gì. Hiện nay, Bộ đang tập hợp lại để giải quyết. Nếu giảm phí thì cũng sẽ tính đến việc giảm thời gian hợp lý cho nhà đầu tư. Riêng trạm cầu Bến Thủy, người dân nhiều lần không cho tiến hành thu phí, Bộ đã chỉ đạo nhà đầu tư tạm thời có chính sách hợp lý với người dân, là giảm phí còn 20.000đ/lượt với xe 7 chỗ đi lại nhiều lần trong ngày.
Đặng Nhật
Who's Online
Đang có 208 khách và không thành viên đang online