- Chi tiết
- Chuyên mục: Tin Tức Hàng Không
Ngày 24/12/2011, VietJet Air thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên từ TP.HCM đi Hà Nội nhưng đến năm 2016, VietJet Air chiếm 41% thị trường nội địa theo sát Vietnam Airlines với 42%. Năm 2016, hãng hàng không này vận chuyển 14,05 triệu lượt khách.
Tính đến nay, Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (VietJet Air) sắp tròn 10 năm thành lập (23/7/2007) nhưng mất hơn 4 năm sau, công ty mới có chuyến bay thương mại đầu tiên. Tuy vậy, chỉ cần 5 năm, VietJet Air đã chiếm thị phần ngang ngửa với Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) nếu dựa trên số lượt hành khách di chuyển trong Việt Nam theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam. Cũng trong thời gian trên, công ty đã tăng vốn điều lệ từ 600 tỷ đồng lên 3.000 tỷ đồng.
Năm 2016, VietJet Air vận chuyển 14,05 triệu lượt khách. Ảnh: Tấn Lợi
Để đạt được thành công này, VietJet Air hoạt động theo mục tiêu khai thác vận chuyển hàng không mô hình hàng không thế hệ mới chi phí thấp cung cấp dịch vụ theo nhu cầu của hành khách.
Tính đến 31/12/2016, Vietjet Air có tổng cộng 5 căn cứ khai thác: TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang và Hải Phòng, khai thác 37 đường bay nội địa, 23 đường bay quốc tế và nhiều tuyến bay thuê chuyến. VietJet dự kiến sẽ tăng số đường bay nội địa lên 45 đường bay vào năm 2019 và 36 đường bay quốc tế vào năm 2018. Công ty sẽ tăng tần suất chuyến bay ở các đường bay đang khai thác như TP.HCM - Hà Nội, TP.HCM - Đà Nẵng và Hà Nội - Đà Nẵng; các đường bay này tổng cộng đóng góp hơn 40,5% lượt vận chuyển của công ty trong năm 2016.
Phục vụ cho đội bay gồm 41 máy bay với độ tuổi trung bình 3,03 tuổi. Trong đó, 30 máy bay Airbus A320-200 (180 chỗ ngồi) và 11 Airbus A321-200 (220-230 chỗ ngồi) với 40 máy bay thuê khai thác và 1 máy bay thuộc sở hữu và thuê tài chính.
Lương nhân viên của VietJet Air đang thu hút sự quan tâm của người lao động khi đơn vị này công bố thu nhập bình quân đạt 46,2 triệu đồng/người tháng, tăng lần lượt 89% và 49% so với năm 2014. Cuối năm 2016, hãng hàng không giá rẻ này có 2.435 nhân viên.
Ngày 28/2, cổ phiếu VJC của VietJet Air chính thức chào sàn chứng khoán với giá tham chiếu 90.000 đồng/cổ phiếu. Tổng vốn hóa của công ty đạt 27.000 tỷ đồng còn tài sản của bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VietJet Air sẽ đạt 8.819 tỷ đồng. Hiện nay, bà Thảo hiện đang nắm giữ 32,66% (97.975.676 cổ phiếu) vốn điều lệ tại VietJet Air gồm sở hữu cá nhân 9,42% và 23,24% thông qua Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny (100% vốn của bà Thảo).
Dường như tính minh bạch trong công bố thông tin đã thể khá rõ hiệu quả hoạt động giữa 2 doanh nghiệp hàng không lớn nhất Việt Nam hiện nay. Vietnam Airline có vốn điều lệ 12.275 tỷ đồng, hơn 3 lần vốn điều lệ của VietJet Air nhưng thị giá chỉ bằng gần 1/3. Trong khi VietJet Air chọn sàn TP.HCM để niêm yết cổ phiếu còn "anh cả" lại chọn thị trường UPCoM nên đến nay doanh nghiệp này vẫn chưa công bố báo cáo tài chính làm cho nhà đầu tư mất dần sự tin tưởng vào "biểu tượng" vận chuyển hàng không của Việt Nam.
Như Nguyễn
Who's Online
Đang có 190 khách và không thành viên đang online