- Chi tiết
- Chuyên mục: Tin Tức Hàng Không
Theo các chuyên gia hàng không, Cục Hàng không Việt Nam phải chịu trách nhiệm trong việc chuyến bay bị chậm, bị hủy do quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất.
Thiếu công bằng
Theo ông Lê Trọng Sành – nguyên Trưởng phòng quản lý bay Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (sân bay Tân Sơn Nhất) tình trạng quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất đã được các chuyên gia cảnh báo từ lâu.
“Cách đây 6 năm khi biết về dự án sân bay Long Thành, chúng tôi đã lên tiếng khẳng định xây sân bay Long Thành là chưa cần thiết, đồng thời cảnh báo sân bay Tân Sơn Nhất sẽ quá tải, ùn tắc, cần phải nâng cấp cải tạo ngay.
Tuy nhiên, trong khi đẩy nhanh việc phê duyệt sân bay Long Thành thì vấn đề cải tạo nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất vẫn dậm chân tại chỗ”, ông Sành cho biết.
Chậm nâng cấp cải tạo dẫn đến quá tải tại sân bay Tân Sơn Nhất khiến nhiều chuyến bay bị chậm, hủy chuyến- ảnh nguồn Chinhphu.vn
Theo ông Sành, chính việc chậm nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm, hủy chuyến bay của các hãng hàng không.
Hiện tượng các chuyến bay bị chậm, hủy chuyến do ách tắc tại sân bay Tân Sơn Nhất không chỉ ảnh hưởng đến lưu thông hàng hóa, ảnh hưởng đến hành khách mà còn gây thiệt hại lớn đến các hãng hàng không.
Điển hình như chuyến bay BL519 của Hãng hàng không Jetstar Pacific dự kiến khởi hành lúc 21h15 đi từ sân bay Cát Bi – Tân Sơn Nhất đã bị chậm 14 giờ đồng hồ. Đại diện của hãng đã nhận lỗi nhưng cũng cho biết "vì lý do khai thác và mật độ sân bay".
Ngoài trường hợp chậm chuyến của Jestar, trước đó còn hàng chục chuyến bay khác bị chậm chuyến, trong đó có nguyên nhân hạ tầng bị quá tải.
Đáng nói hơn chỉ cần chuyến bay chậm, hủy cho dù nguyên nhân đến từ hạ tầng hàng không kém, quá tải nhưng các hãng hàng không luôn là tâm điểm chỉ trích của dư luận.
Ông Lê Trọng Sành – nguyên Trưởng phòng quản lý bay Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (sân bay Tân Sơn Nhất) - ảnh nguồn Báo Thanh Niên.
Trước thực trạng này, theo ông Lê Trọng Sành nếu nguyên nhân chậm, hủy chuyến do hạ tầng giao thông kém không đáp ứng nhưng chỉ hãng hàng không phải chịu còn cơ quan quản lý nhà nước đứng ngoài cuộc là thiếu công bằng.
Theo ông Sành, dù Luật Hàng không quy định các hãng hàng không - đơn vị cung cấp dịch vụ vận tải hàng không phải chịu trách nhiệm khi chuyến bay bị chậm, hủy chuyến.
Tuy nhiên, nếu chậm chuyến, hủy chuyến do quá tải tại Tân Sơn Nhất thì cơ quan quản lý nhà nước, cụ thể Cục Hàng không cũng phải chịu trách nhiệm.
“Anh là cơ quan quản lý nhà nước về hàng không nhưng thiếu dự báo lượng hành khách tăng trưởng, chậm kiến nghị các phương án cải tạo nâng cấp Tân Sơn Nhất phục vụ cho sự phát triển của ngành thì rõ ràng việc chậm chuyến, hủy chuyến anh không thể ngoài cuộc”, ông Sành nêu quan điểm.
Đề cập tới trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong việc chậm nâng cấp, cải tạo sân bay Tân Sơn Nhất dẫn ùn tắc, chuyên gia hàng không Trần Đình Bá cho rằng, Cục Hàng không Việt Nam cũng phải chịu trách nhiệm.
Ông Trần Đình Bá cho rằng, nguyên nhân chuyến bay bị chậm chuyến, hủy chuyến có thể do thời tiết, hạ tầng hàng không, do chính các hãng hàng không.
Để xác định trách nhiệm phải dựa vào nguyên nhân dẫn đến chậm chuyến.
Theo đó nếu chậm, hủy chuyến do hạ tầng hàng không thì trách nhiệm trước hết thuộc về cơ quan quản lý nhà nước về hàng không.
Cần tính tới phương án mở rộng tối đa Tân Sơn Nhất
Trở lại vấn đề nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất, ông Lê Trọng Sành cho rằng, đây là yêu cầu cần thiết không chỉ đối với ngành hàng không mà còn vì mục tiêu xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh như yêu cầu của Nghị quyết số 16-NQ/TW về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020.
Cụ thể, Nghị quyết 16 của Trung ương nêu rõ phải xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh văn minh, hiện đại với vai trò đô thị đặc biệt, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đóng góp ngày càng lớn với khu vực kinh tế phía Nam và cả nước nói chung.
Từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á; góp phần tích cực đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Để hoàn thành yêu cầu đó, vai trò của ngành giao thông rất quan trọng, trong đó có hàng không. Hàng không chỉ phát huy tốt vai trò khi không còn ùn tắc, giảm tối đa chậm, hủy chuyến. Muốn có được điều đó phải nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất.
Từ yêu cầu đó, theo ông Sành, Bộ Quốc phòng không nên chỉ dừng lại ở việc bàn giao 21ha, bởi với diện tích đó chỉ giải quyết được việc nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất đáp ứng nhu cầu trong ngắn hạn.
Ông Sành phân tích, diện tích đất trong sân bay Tân Sơn Nhất do quân đội quản lý còn rất lớn, trong đó có phần diện tích lớn đang được sử dụng làm sân golf.
“Về lâu dài cần giải phóng sân golf để Bộ Giao thông Vận tải nâng cấp sân bay Tân Sơn Nhất. Cần hiểu đất là sở hữu của toàn dân, không phải của bộ này, ngành kia nắm giữ”, ông Sành nêu quan điểm.
Với diện tích đất Bộ Quốc phòng bàn giao, ông Sành cho rằng cần sử dụng vào việc xây dựng thêm bãi đỗ,đường lăn cho tàu bay, xây dựng thêm nhà ga.
Who's Online
Đang có 192 khách và không thành viên đang online