- Chi tiết
- Chuyên mục: Tin Tức Hàng Không
Trong lĩnh vực hàng không, việc đảm bảo an toàn là ưu tiên hàng đầu với những tiêu chuẩn an toàn vô cùng khắt khe.
Đảm bảo an toàn trong lĩnh vực hàng là tiêu chí rất quan trọng. Ảnh minh họa: TTXVN
Trong quá trình tham gia giao thông, việc đảm bảo an toàn luôn phải đặt lên hàng đầu đối với tất cả loại hình phương tiện đi lại. Riêng với lĩnh vực hàng không, tiêu chí này càng trở nên quan trọng và đòi hỏi những tiêu chuẩn an toàn khắt khe hơn nhiều so với các loại hình lưu thông công cộng khác.
Đặt an toàn lên hàng đầu
Với mỗi chuyến bay, trong suốt thời gian vận hành bay, tổ phi công và các đơn vị chức năng không được để xảy ra bất kỳ sai sót nào kể từ khâu nhỏ nhất, vì dù chỉ là một sai sót nhỏ, khả năng xảy ra tai nạn sẽ rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp tới an toàn tính mạng của hàng trăm hành khách tham gia chuyến bay.
Do vậy, để hoàn thành một hành trình là sự đóng góp của rất nhiều các đơn vị chuyên môn, thuộc nhiều cơ quan khác nhau để làm nên thành công của mỗi chuyến bay.
Vừa qua, thông tin về chuyến bay VN 1344 của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) hai lần thực hiện tiếp đất nhưng không hạ cánh được tại sân bay Cam Ranh và phải bay vòng trên trời 30 phút trước khi quay về điểm xuất phát tại Tp. Hồ Chí Minh, đã làm dấy lên một số thông tin cho rằng nguyên nhân một phần do tổ phi công điều khiển chưa được cấp phép hạ cánh trong điều kiện thời tiết xấu tại sân bay Cam Ranh.
Những thông tin này đã phần nào ảnh hưởng tới tâm lý của hành khách và nỗi lo về hoạt động an toàn bay của các hãng hàng không. Tuy nhiên, sự việc này ngay sau đó đã được Cục Hàng không Việt Nam giải đáp, khẳng định toàn bộ quá trình khai thác của chuyến bay đều được kiểm soát và thực hiện đúng quy trình, chức năng.
Tổ lái của VN1344 và đài kiểm soát không lưu, hãng hàng không đã thực hiện đúng quy trình. Ảnh: TTXVN
Thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua, việc kiểm soát an ninh, an toàn bay luôn được Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng không Việt Nam phối hợp với các nhà chức trách hàng không kiểm tra và theo dõi.
Về văn bản pháp lý, bên cạnh những quy định hướng dẫn thực hiện Luật Hàng không, Bộ Giao thông vận tải cũng đã ban hành Bộ Quy chế an toàn hàng không cùng Chương trình giám sát an toàn hàng năm do Cục Hàng không Việt Nam quản lý và đã được chuyển đổi phương thức giám sát an toàn từ định kỳ sang liên tục…
Về công tác thực hiện, Cục Hàng không Việt Nam đảm nhiệm vai trò nhà chức trách hàng không, trực tiếp giám sát, quản lý toàn bộ quá trình và các đơn vị chức năng như công ty quản lý bay, Cảng Hàng không Việt Nam, các Hãng hàng không … sẽ thực hiện các chức năng chuyên môn, đảm bảo vận hành đúng quy định các chuyến bay theo một hệ thống khép kín, có sự phối hợp giữa các bên.
Bên cạnh đó, Hội đồng Kiểm soát rủi ro an toàn hàng không (ASRMC) cũng đã được thiết lập và hoạt động theo tiêu chuẩn chương trình an toàn hàng không quốc gia (SSP).
Trong đó, đảm bảo nguyên tắc tất cả các sự cố phải được báo cáo, điều tra xác minh nguyên nhân và đưa ra biện pháp xử lý, phòng ngừa. Hội đồng này đã nhận diện một số vấn đề rủi ro an toàn cần quan tâm và đưa ra các biện pháp đối với từng yếu tố rủi ro.
Quay trở lại với câu chuyện về máy bay VN 1344, Cục Hàng không Việt Nam cho biết đây là tình huống hoạt động bay trong thời tiết chưa đáp ứng để đảm bảo an toàn bay. Tổ lái và đài kiểm soát không lưu, hãng hàng không đã thực hiện đúng quy trình, quy định an toàn của Cục Hàng không Việt Nam .
Điều này cũng được Vietnam Airlines - Đơn vị trực tiếp khai thác - khẳng định chuyến bay và tổ bay đủ tiêu chuẩn khai thác theo quy định của nhà chức trách. Đây là những phi công có kinh nghiệm và đã được huấn luyện đúng quy trình với các bài bay phức tạp hay trong điều kiện thời tiết bất thường.
Đại diện Vietnam Airlines cho biết: “ Vietnam Airlines luôn coi trọng và đặt an toàn bay lên hàng đầu, tuyệt đối tuân thủ các quy định của nhà chức trách”.
Siết chặt hơn nữa công tác đảm bảo an toàn bay
Thống kê của Cục Hàng không Việt Nam cho thấy, công tác đảm bảo an toàn hàng không năm 2016 được thực hiện tốt hơn so với năm 2015, thể hiện qua tổng số sự cố so với năm 2015 (giảm 9%) và không xảy ra sự cố nghiêm trọng. Hầu hết các chỉ số sự cố trên 1000 chuyến bay trong năm 2016 đều giảm so với năm 2015.
Mặc dù vậy, theo Cục Hàng không Việt Nam, hành vi vi phạm ảnh hưởng đến an toàn bay do yếu tố con người có chiều hướng gia tăng.
Đặc biệt, trong đó có cả những sự cố nằm ở mức C (mức đánh giá sự cố sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn cao ), như: Sự cố liên quan đến giảm áp suất buồng kín máy bay xảy ra với chuyến bay VN227, của Vietnam Airlines, chặng Hà Nội –Tp.Hồ Chí Minh ngày 5/2/2016.
Nguyên nhân được điều tra cho thấy do tổ lái chuyến bay khi tiếp nhận máy bay đã không đánh giá đúng tình trạng hỏng hóc hiện tại của máy bay, vì vậy tổ lái đã thực hiện chuyến bay với hệ thống điều áp không hoạt động, dẫn đến cảnh báo giảm áp suất buồng kín…
Để đảm bảo công tác an toàn, an ninh hàng không, trong năm 2017, ngành hàng không Việt Nam đã đặt ra mục tiêu đạt mức độ giám sát an toàn CAT I của Cục Hàng không liên bang Mỹ (FAA), đồng thời duy trì không để xảy ra tai nạn và sự cố nghiêm trọng (mức B); Giảm 5% tỉ lệ sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn cao (mức C) và sự cố có nguy cơ uy hiếp an toàn (mức D) so với năm 2016.
Ngoài ra, Cục Hàng không Việt Nam cũng tiếp tục triển khai quyết liệt các hoạt động đồng bộ, nâng cao hiệu quả giám sát, khắc phục khuyến cáo theo Chương trình đánh giá an toàn hàng không toàn cầu (USOAP) của Tổ chức Hàng không thế giới ICAO; đồng bộ kế hoạch khắc phục khuyến cáo đã được thống nhất giữa Cục Hàng không Việt Nam và FAA để đạt mức độ về năng lực giám sát an toàn CAT I.
Cục Hàng không Việt Nam sẽ siết chặt hơn nữa công tác đảm bảo an toàn bay.Ảnh: Vietnamairlines
Đồng thời, thực hiện kế hoạch giám sát liên tục theo kế hoạch kiểm tra năm MARI (Minimum Annual Required Inspection) các hãng hàng không trong nước, xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về an toàn khai thác tàu bay đối với các đơn vị, người khác thác tàu bay, kể cả các hãng hàng không nước ngoài khai thác đi - đến Việt Nam.
Mặt khác, bổ sung, hoàn thiện và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ giám sát viên an toàn hàng không…
Vào dịp cao điểm nhất trong năm – kỳ nghỉ Tết Âm lịch 2017 cận kề, khi mà nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tăng cao và hầu hết các hãng hàng không đều đăng ký tăng tải để phục vụ hành khách, toàn ngành hàng không đang tập trung nâng cao chất lượng công tác, đảm bảo hoạt động khai thác hiệu quả và an toàn.
Đánh giá tầm quan trọng của công tác này, lãnh đạo Chính phủ, Bộ, ngành đã có nhiều chuyến kiểm tra tại hầu hết các sân bay và các hàng hàng không.
Mới đây, ngày 5/12, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã tới Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài trực tiếp thị sát. Trước đó, ngày 3/2, Phó Thủ tướng cũng đã tới Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để kiểm tra công tác an toàn bay.
Ngày 7/12, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Trương Quang Nghĩa cũng đã có buổi làm việc với Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và Công ty TNHH Một thành viên Kỹ thuật máy bay (Vaeco) về công tác đảm bảo an toàn bay.
Ngoài ra, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật và Cục Hàng không Việt Nam còn có các chuyến thị sát ở hầu hết các sân bay và các đơn vị thành viên, các Hãng hàng không trên toàn hệ thống./.
st
Who's Online
Đang có 167 khách và không thành viên đang online