- Chi tiết
- Chuyên mục: Tin Tức Hàng Không
Với hàng không, an toàn phải đặt lên hàng đầu. Vì thế tất cả phải được tính toán rất kỹ càng.
Tân Sơn Nhất chỉ có khả năng đón 25 triệu khách/năm nhưng năm 2015 đã đón 26,5 triệu khách và năm 2016, con số này sẽ lên tới 32,5 triệu khách - Ảnh: Tạ Tôn
Trao đổi với Báo Giao thông, Cục trưởng Cục Hàng không VN Lại Xuân Thanh cho biết, dịp Tết Nguyên đán năm nay, nhu cầu đi lại chắc chắn tăng cao. Tuy nhiên, với hàng không, an toàn phải đặt lên hàng đầu. Vì thế tất cả phải được tính toán rất kỹ càng.
An toàn là mục tiêu tối thượng
Ông Lại Xuân Thanh cho biết, các hãng hàng không đã có kế hoạch tăng 1.285 chuyến bay trong dịp cao điểm Tết, tăng 29,3% so với lịch bay thường lệ. Đáng nói hơn, 90% trong số chuyến bay tăng dịp Tết này (tương đương 1.168 chuyến) là các chuyến bay đi/đến Tân Sơn Nhất.
Mặc dù vậy, người đứng đầu Cục Hàng không VN cũng nhấn mạnh đây mới chỉ là kế hoạch của các hãng hàng không. “Trong tuần này, chúng tôi mới làm việc với từng hãng để kiểm tra, đánh giá công tác chuẩn bị như thế nào, cả về phương tiện, phi công, tiếp viên cũng như công tác phục vụ mặt đất. Chúng tôi cũng sẽ làm việc với đơn vị khai thác cảng, quản lý điều hành bay để xem khả năng đáp ứng được bao nhiêu”, ông Thanh nói và khẳng định, sẽ làm việc rất cụ thể với từng đơn vị mới cấp phép bay.
"Trong hàng không, yếu tố an toàn được đặt lên hàng đầu. Kế đó là sự điều hòa trong điều hành bay, cuối cùng mới là hiệu quả. Đặc biệt, đối với ngành Hàng không, không có khái niệm tăng - giảm tỷ lệ tai nạn bởi một tai nạn cũng đã là quá nhiều, có thể mang đến những hệ lụy vô cùng lớn. Do đó, trước khi quyết định bất kỳ điều gì, với hàng không, câu hỏi đầu tiên phải đặt ra nên là “an toàn có được đảm bảo, có được tăng cường không” trước khi tính toán xem “hiệu quả kinh tế như thế nào”, “đáp ứng nhu cầu tăng trưởng ra sao”.
Thứ trưởng Bộ GTVT
Nguyễn Nhật
“Vận tải hàng không chỉ có ưu thế tuyệt đối so với các loại hình vận tải khác nếu khoảng cách vận chuyển lớn hơn 700km. Với khoảng cách dưới 700km, đặc biệt là dưới 500km phù hợp nhất là đi đường bộ cao tốc hoặc đi tàu cao tốc. Thực tế ở nước ngoài, dưới 500km, người dân đa phần lựa chọn tàu cao tốc. Các chuyến bay tầm ngắn ở châu Âu hay Hàn Quốc, Nhật Bản… đều thua so với các phương tiện vận tải khác”.
Ông Đinh Việt Thắng
Chủ tịch HĐTV VATM
Cuối tuần qua, trước những lo ngại về sự quá tải của hạ tầng dẫn đến giảm chất lượng dịch vụ, nguy cơ mất an toàn, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đã yêu cầu Cục Hàng không phải siết lại việc cấp phép bay, xem lại slot tại Tân Sơn Nhất.
“Đây là chỉ đạo rất đúng bởi với hàng không, phải đặt an toàn lên hàng đầu”, ông Thanh nói và cho biết thêm: Tân Sơn Nhất bình thường đã tắc nghẽn, chưa nói đến việc phải “cõng” thêm số lượt tăng chuyến trong cao điểm Tết như đề nghị của các hãng.
Đồng quan điểm, ông Đinh Việt Thắng, Chủ tịch HĐTV TCT Quản lý bay VN (VATM) cho biết vừa qua, một số thông tin cho rằng, “ Bộ GTVT muốn hạn chế phát triển hàng không để phát triển đường sắt hay bất kỳ loại hình vận tải nào khác”, nhưng nói vậy là không đúng. “Thời gian qua, ngành Hàng không đã liên tục được đầu tư, cải tạo nâng cấp từ hệ thống CHK, sân bay đến hệ thống quản lý, điều hành bay. Phía các hãng hàng không cũng đổi mới phương tiện, nâng cấp chất lượng… Tất cả là để phục vụ cho phát triển”, ông Thắng nói và cho biết, vấn đề lớn mà Bộ GTVT , ngành Hàng không quan tâm là hàng không đang tăng trưởng nóng. Trong bối cảnh đó, phải làm thế nào để đảm bảo tuyệt đối an toàn.
“Không thể vì chạy theo tăng trưởng mà lơ là công tác an toàn, hạ bớt tiêu chuẩn dịch vụ được”, ông Thắng nói và cho rằng, về phương tiện, các hãng đã đầu tư nhiều. Hiện, chúng ta đã có đội bay tương đối mạnh, nhất nhì khu vực. Về hạ tầng, bao gồm cả hạ tầng sân bay, hạ tầng quản lý bay, Tân Sơn Nhất đang đối mặt với tắc nghẽn cả mặt đất và trên trời. Tuy nhiên, giải quyết vấn đề này không thể làm trong một sớm một chiều. Vấn đề con người cũng rất khó khăn. Như kiểm soát viên không lưu, sau 2 năm đào tạo trong trường, 1 năm thực tập nữa là 3 năm cũng chỉ làm trực phụ. Phải thêm 2 năm đào tạo nữa mới có thể trực chính. Các hãng hàng không cũng thế. Mua máy bay về dễ, nhưng đào tạo con người, đội ngũ để khai thác lại không đơn giản.
Thực tế, các nước trong khu vực đã từng bị mắc như chúng ta hiện nay. Nhãn tiền là Phillipines, Indonesia và gần đây nhất là Thái Lan đã từng bị châu Âu đưa vào “danh sách đen” cấm bay đến châu Âu vì công tác đảm bảo nguồn nhân lực an toàn không theo kịp nhu cầu phát triển.
Một vấn đề nữa liên quan đến an toàn, theo ông Thắng là quy trình quản lý. Khi bay mật độ thấp có thể quản lý theo quy trình này nhưng khi bay ở mật độ cao, lưu lượng lớn, phải quy trình khai thác khác. Để làm được, đòi hỏi thời gian, không thể muốn là đáp ứng ngay được.
Vừa qua, VATM đã đưa vào khai thác đường bay song song trục Bắc - Nam cũng như áp dụng phương thức điều hành tiên tiến tại Tân Sơn Nhất. Đó là công nghệ dẫn đường theo vệ tinh, thay thế cơ bản phương thức điều hành cũ là kiểm soát viên không lưu dẫn dắt tàu bay bằng radar. Tuy nhiên, để làm được như vậy cần có thời gian đầu tư, huấn luyện, chuẩn bị... mất cả năm trời.
Vài trăm chuyến bay chờ mỗi tháng tại Tân Sơn Nhất
Liên quan đến vấn đề quá tải tại Tân Sơn Nhất, ông Đặng Tuấn Tú, Giám đốc cảng này cho biết, trước đây, sản lượng của Tân Sơn Nhất mỗi năm chỉ tăng trưởng 5-10%. Tuy nhiên, 3 năm gần đây tăng trưởng quá nóng, tới hơn 20% trong khi hạ tầng hạn chế. “Thực tế, Tân Sơn Nhất chỉ có khả năng đón 25 triệu khách/năm nhưng năm 2015 đã đón 26,5 triệu khách và năm 2016, con số này sẽ lên tới 32,5 triệu khách”, ông Tú nói và cho rằng, tăng trưởng quá nóng như vậy sẽ tạo ra áp lực trong khai thác.
Minh chứng điển hình cho áp lực khai thác chính là bay chờ, xếp hàng hạ, cất cánh. “Trước đây, sân bay Tân Sơn Nhất chỉ có khoảng 35 chuyến bay trong giờ cao điểm. Tuy nhiên, hiện con số này đã là 40-42 chuyến/giờ nên điều kiện hạ tầng của Tân Sơn Nhất không đáp ứng được, tắc nghẽn cả trên trời và dưới đất. Tăng khai thác như thế sẽ gây áp lực cho các đơn vị điều hành, cả về không lưu lẫn mặt đất. Đến một lúc nào đó sẽ ảnh hưởng đến an ninh, an toàn”, ông Tú nói.
Thống kê cho thấy, số chuyến bay chờ từ 30 phút trở lên tại Tân Sơn Nhất lên tới 200 chuyến mỗi tháng. Về vấn đề này, Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho biết vừa qua, phía Quản lý bay đã nâng cao năng lực điều hành, áp dụng công nghệ mới tại Tân Sơn Nhất nên đã giúp thông thoáng hơn, song số chuyến bay chờ còn nhiều và rất phổ biến vào giờ cao điểm.
Tăng các chuyến bay đêm, bay giờ thấp điểm
Giảm tải cho Tân Sơn Nhất, nhất là trong dịp cao điểm Tết sắp tới, ông Tú cho biết, đã liên tục đề nghị các hãng hàng không giãn lịch bay và tăng cường bay đêm. “Hiện, bay nội địa chưa hề có chuyến bay nào trong 8 tiếng ban đêm. Như vậy là rất lãng phí cho hạ tầng. Tân Sơn Nhất đã công bố phục vụ 24/24h. Rất nhiều sân bay địa phương đã có hệ thống đèn đêm để có thể khai thác 24/24h. Người dân có nhu cầu đi lại mà không bị áp lực giờ giấc, có thể bay đêm. Vấn đề là cần có chính sách giá hợp lý để khuyến khích khách hàng. Ngược lại, chúng tôi cũng sẽ có chính sách giảm giá cho các hãng hàng không”, ông Tú cho biết.
Đề xuất này đã nhận được cái “gật đầu” của Cục Hàng không VN. Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho biết, dù việc cấp phép tăng chuyến dịp Tết năm nay chỉ được quyết định sau khi có kiểm tra, làm việc cụ thể với các đơn vị trong tuần này. Song, về cơ bản, đa số các chuyến bay tăng cường đi/đến Tân Sơn Nhất chỉ được cấp phép bay vào giờ thấp điểm (từ 23h đêm đến 7h sáng).
“Nhu cầu đi lại của bà con phải được đáp ứng. Đấy là nhiệm vụ chính trị của ngành Hàng không. Tuy nhiên, với hàng không, an toàn phải đặt lên hàng đầu. Vì thế, tất cả phải được tính toán rất kỹ càng xem hạ tầng Tân Sơn Nhất đang như thế, tăng thêm 30% có được không? Năng lực khai thác của hãng hàng không đã tính chắc chắn chưa? Nguồn lực về con người, phương tiện phục vụ mặt đất đã tính chắc chưa?”, ông Thanh nêu vấn đề.
Thanh Bình
Who's Online
Đang có 162 khách và không thành viên đang online