- Chi tiết
- Chuyên mục: Tin Tức Hàng Không
2 chiếc trực thăng hộ tống được vận chuyển sang VN để phục vụ ông Obama nhưng rốt cuộc không có chiếc nào cất cánh.
Trực tiếp điều hành hoạt động hàng không trong chuyến thăm VN của Tổng thống Obama, ông Đào Văn Chương, Cục phó Cục Hàng không VN cho biết, phía Mỹ đã cử rất đông lực lượng gồm không quân, tùy viên quân sự, đặc vụ... sang phối hợp với các cơ quan của VN chuẩn bị trước 1,5 tháng.
Với an ninh hàng không, Mỹ đưa ra các yêu cầu rất chặt chẽ, đề xuất phối hợp về không lưu, bố trí bảo vệ tàu bay cũng như cung cấp dịch vụ, nhiên liệu xăng dầu...
Chuyên cơ của ông Obama trong chuyến thăm Việt Nam
Có nhiều yêu cầu của phía bạn VN đã từ chối vì thấy không cần thiết như yêu cầu súng bắn tỉa ở sân bay. Tuy nhiên, có những yêu cầu VN đã linh động đáp ứng để đảm bảo hoạt động an toàn bay như việc ưu tiên vùng trời.
Do Mỹ có nội dung hoạt động bay tương đối đặc biệt nên yêu cầu thời gian cất hạ cánh được ưu tiên tăng gấp đôi để đảm bảo vùng trời không có hoạt động bay khác, tránh trường hợp máy bay cất hạ cánh trục trặc kỹ thuật làm chướng ngại vật.
Cụ thể, tại thời điểm chuyên cơ cất, hạ cánh ở hai đầu sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, chỉ có chuyên cơ được hoạt động, đến hoạt động bay quốc phòng cũng không thực hiện mà ở tư thế sẵn sàng. Tiêu chuẩn phân cách tàu bay cũng được tăng lên gấp đôi thay vì 5 dặm như bình thường.
Vì sao thay đổi liên tục giờ cất - hạ cánh chuyên cơ?
Lúc đầu, giờ chuyên cơ chở Tổng thống Obama hạ cánh xuống sân bay Nội Bài được chốt vào đêm 23/5 lúc 0h10, cuối cùng chuyên cơ lại hạ cánh lúc 21h30 22/5.
Phía bạn thông báo, chuyến bay của Tổng thống sẽ hạ cánh xuống sân bay Nội Bài trước chuyến bay của Ngoại trưởng John Kerry, nhưng sau đó chuyến bay chở Ngoại trưởng Mỹ lại hạ cánh trước, xuống lúc 18h30.
Ông Nguyễn Sỹ Hưng, Phó phòng Quản lý hoạt động bay (Tổng công ty Quản lý bay VN) lý giải, hoạt động quản lý bay chuyên cơ được lập, thông báo trước 1 giờ. Tuy nhiên, ở chuyến bay của ông Obama đã không thông báo trước. Thực tế giờ bay đã được điều chỉnh, chỉ khi bay vào vùng thông báo bay (FIR) thì VN mới biết được và đón tiếp.
Đại diện Cục Hàng không cho biết, việc các chuyến bay chậm theo kế hoạch hay không phụ thuộc vào hoạt động của Tổng thống Obama. Như từ Nội Bài vào TP.HCM hôm 24/5, do trời mưa ông Obama dừng lại ở Mễ Trì (Từ Liêm, HN) nên kế hoạch bay thay đổi chậm hơn dự kiến.
Nhưng việc chậm giờ bay phía Mỹ đã có kịch bản phối hợp với các đơn vị hàng không VN nên phía VN không bị động khi chuyến bay khởi hành chậm hơn so với kế hoạch.
Không lưu VN trực tiếp điều hành bay
Ông Hưng cho biết, trong hoạt động bay, các cơ quan chuyên môn VN trực tiếp điều hành còn phía Mỹ tham gia trong vai trò chứng kiến. Theo đó, Mỹ yêu cầu được bố trí người ngồi cùng với nhân viên không lưu để quan sát xem máy bay “ra vào” có đúng, nhưng người điều hành trực tiếp là nhân viên không lưu VN chủ động.
1 trong 2 chiếc trực thăng Marine One của ông Obama tại sân bay Nội Bài
Khi nhân viên của Mỹ ngồi quan sát không lưu trong phòng điều hành không được sử dụng máy phát sóng và phải chấp hành nghiêm quy định điều hành bay của VN.
Về hoạt động an ninh ở sân bay, phía Mỹ cũng thiết lập hệ thống tai nghe bộ đàm để thông báo theo hệ thống. Các tàu bay của Mỹ được đặc vụ an ninh kiểm tra nghiêm ngặt.
Khu vực cách ly Tổng thống được kiểm tra một cách nghiêm ngặt. Đặc vụ Mỹ sử dụng máy soi chiếu, chó nghiệp vụ tham gia để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Tổng thống.
2 chiếc trực thăng được Mỹ đưa sang phục vụ cho chuyến thăm VN cũng chưa bao giờ cất cánh, dù kế hoạch sử dụng trong trường hợp nào đã được hai bên thống nhất từ trước.
Kết thúc chuyến thăm, phía Mỹ đánh giá công tác an ninh, an toàn hàng không của VN là tuyệt đối.
Vũ Điệp
Who's Online
Đang có 192 khách và không thành viên đang online